Người Đồng Hành dịch theo bài viết trên CNBC dẫn quan điểm của William R. Rhodes, CEO William R. Rhodes Global Advisors, cựu chủ tịch và CEO của Citibank, và Stuart Mackintosh, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Group of Thirty về nền kinh tế Trung Quốc.
Chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới những gì đang xảy ra tại Trung Quốc, vì theo cách thức nào đi chăng nữa, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của chính chúng ta và nhiều người khác.
Những “mối nguy” hiện hữu và cách Chủ tịch Tập Cận Bình đối phó sẽ ảnh hưởng tới Trung Quốc đầu tiên. Nhưng khó khăn của Trung Quốc cũng sẽ sớm trở thành khó khăn của toàn thế giới trong thời gian ngắn.
Thách thức đối với triển vọng nền kinh tế Trung Quốc đang gia tăng ở bốn lĩnh vực tách biệt, nhưng lại có mối liên quan chặt chẽ với nhau.
Bất động sản
Làn sóng vỡ nợ trên thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục lan rộng. Năm ngoái, chúng ta được chứng kiến một số lượng kỷ lục các công ty phát triển bất động sản Tại Trung Quốc tuyên bố mất khả năng thanh toán nhiều khoản nợ, trong đó phải kể đến Evergrande. S&P ước tính rằng có 20-40% các công ty bất động sản tại Trung Quốc đối mặt với tình trạng khó khăn tài chính và nguy cơ vỡ nợ.
Lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 25% tổng giá trị nền kinh tế số hai thế giới, theo một báo cáo công bố trong tháng 1 của Viện Kinh tế quốc tế Peterson. Sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản sẽ có tác động vô cùng lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Nhiều nhà kinh tế học chia sẻ rằng phần lớn các cuộc suy thoái bắt nguồn từ sự đổ vỡ trên thị trường chứng khoán hoặc bất động sản.
Thị trường bất động sản chưa thể kéo nền kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, nhưng những dấu hiệu đã bắt đầu nhen nhóm. Đừng ngây thơ khi nghĩ rằng quy luật bong bóng vỡ sẽ không bao giờ xảy ra tại Trung Quốc hoặc chính phủ sẽ kiểm soát giá cả một cách hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Nhưng chúng ta nên hy vọng họ có thể điều hành thị trường nhà ở tốt hơn so với những gì mà các quốc gia phương Tây đã làm trong giai đoạn 2007-2008.
Chiến lược Zero-Covid
Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những rắc rối liên quan tới thị trường bất động sản, tác động từ chính sách phòng dịch có phần cực đoan của Trung Quốc khiến tình hình trở nên tồi tệ thêm.
Zero Covid, hiện là phương pháp kiểm soát dịch bệnh “hà khắc” nhất được áp dụng trên phạm vi toàn cầu, là khởi nguồn của vô vàn khó khăn không chỉ của người dân mà cả nền kinh tế. Quan điểm cứng rắn của Trung Quốc trước đại dịch đã phát huy tác dụng trong những ngày đầu, tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển tương đối ổn định trong giai đoạn 2020-2021 so với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, khi virus đã tiến hóa và lây lan mạnh, những phương pháp phòng dịch đó không còn hiệu quả và sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc trả một cái giá rất đắt. Số lượng ca nhiễm tại Thượng Hải trong tuần trước chạm mốc 20.000 ca/ngày, buộc chính quyền địa phương này phải ban bố lệnh phong tỏa chặt chẽ, gây ra không ít bức xúc cho khoảng 26 triệu người dân nơi đây. Thượng Hải là thành phố lớn nhất Trung Quốc, đóng góp 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đồng thời là trung tâm cảng biển lớn không chỉ của Trung Quốc mà còn toàn khu vực.
Các lệnh phong tỏa cũng đang được áp dụng tại nhiều địa phương khác. Những tác động của zero Covid sẽ ngày một trở nên rõ nét trong vài tháng tới. Và đây là lý do nhiều chuyên gia kinh tế hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới năm nay.
Nếu như nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc giảm xuống, chúng ta, những con người sống ngoài lãnh thổ quốc gia này, cũng sẽ cảm thấy phần nào tác động. Vẫn chưa rõ liệu khi nào chính quyền Trung Quốc sẵn sàng chuyển sang một cách tiếp cận dịch bệnh hoàn toàn mới, dù không ít người dân nước này, thậm chí là nhiều người nước ngoài mong muốn điều đó sớm xảy ra.
Rủi ro nợ
Lãi suất liên tục được nâng lên khi nhiều quốc gia phát triển phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Các khoản cho vay thực hiện bởi nhiều định chế Trung Quốc, một phần của chiến lược “Vành đai và Con đường”, không những đang trở thành gánh nặng trên vai nhiều quốc gia thu nhập thấp trên toàn cầu, mà còn ảnh hưởng tới nhiều ngân hàng Trung Quốc với tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Hệ thống ngân hàng đóng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc.
Chiến lược Vành đai và Con đường đã đặt lên vai các quốc gia phát triển khoản nợ 385 tỷ USD, theo báo cáo năm 2021 của AidData, viện nghiên cứu phát triển quốc tế trực thuộc trường Đại học William and Mary, bang Virginia.
Trung Quốc phải đối diện với ba rủi ro chính gồm khả năng vỡ nợ; giá trị nợ xấu ngày một tăng tại nhiều ngân hàng lớn và định chế Nhà nước; và căng thẳng ngoại giao, xung đột địa chính trị liên quan đến các tài sản trong hợp đồng vay.
Sang tới năm 2022, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ rút ra được một bài học rằng cho vay không phải lúc nào cũng là một chiến lược thông minh. Trung Quốc cần những đối tác có khả năng thanh toán nợ, những khách hàng và đồng minh thân thiện, thay vì đẩy các quốc gia đó vào cảnh mất khả năng thanh toán, vỡ nợ và gây phẫn nộ cho người dân.
Xung đột Nga – Ukraine
Toàn cầu hóa, động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc cũng như toàn cầu, đang đối diện với rủi ro rất lớn bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nhiều chuỗi cung ứng đang quá tải và “đứt gãy”, khiến các quốc gia phải tìm tới những phương thức, cung đường hoặc thậm chí là các nhà cung cấp mới.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tự đặt ra câu hỏi rằng liệu quốc gia này có nên ủng hộ Nga và quay lưng lại với một thế giới đầy tính kết nối, nơi các quốc gia tuân thủ theo một luật lệ, mục tiêu chung hay không? Mọi quốc gia đều được hưởng lợi từ cơ chế toàn cầu này.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Ngay cả khi nước Nga nhượng bộ, hình ảnh của họ trong mắt nhiều quốc gia khác cũng không dễ dàng thay đổi. Một khi ủng hộ Nga, Trung Quốc có thể sẽ phải trả một cái giá rất đắt nếu các quốc gia trên thế giới “quay lưng”. Họ sẽ bị cô lập trong hệ thống thương mại toàn cầu, “động cơ” của nền kinh tế số hai thế giới.
Những thách thức trên cho thấy việc chính phủ Trung Quốc dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2022 là tương đối lạc quan. Trong bối cảnh hiện tại, viễn cảnh Trung Quốc tăng trưởng dưới 5%, mức thấp nhất từ năm 1989, là rất lớn.
Đó chính là thông tin không tốt đối với Trung Quốc nói riêng và cả thế giới nói chung. Hãy cùng nhau hy vọng các quyết định đúng đắn sẽ được đưa ra.
Theo NDH
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
USD chợ đen |
25,490 -40 | 25,600 -30 |
Giá đô hôm nay |
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
Vàng SJC | 82,500 | 84,500 |
Vàng nhẫn | 81,500 | 82,800 |
Tỷ giá hôm nay |
||
---|---|---|
Ngoại Tệ | Mua vào | Bán Ra |
USD |
25,0840 | 25,4540 |
AUD |
16,2380 | 16,9280 |
CAD |
17,7270 | 18,4810 |
JPY |
1600 | 1700 |
EUR |
26,8480 | 28,3200 |
CHF |
28,5820 | 29,7970 |
GBP |
31,8310 | 33,1840 |
CNY |
3,4670 | 3,6140 |