Nguy cơ lớn từ cuộc khủng hoảng tại các thị trường mới nổi 14:36 11/10/2018

Nguy cơ lớn từ cuộc khủng hoảng tại các thị trường mới nổi

Các nhà đầu tư đang đánh giá liệu cuộc khủng hoảng tiền tệ tại các thị trường mới nổi và động thái tăng lãi suất để chống khủng hoảng có thể dẫn đến một làn sóng giảm tốc tăng trưởng hay không.

Ngày 13/9 vừa qua, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng ngăn chặn đà lao dốc của đồng nội tệ lira – vốn đã giảm tới gần 40% tính từ đầu năm tới nay – bằng cách tăng lãi suất thêm hơn 6 điểm phần trăm lên mức 24%.

Trong khi đó, Argentina đang phải vật lộn với việc thúc đẩy đồng peso đi lên giữa bối cảnh đồng nội tệ này đã giảm hơn một nửa giá trị bất chấp việc lãi suất đã tăng lên mức 60%.

Các đồng tiền khác cũng đang bị cuốn theo “làn sóng” suy giảm này với đồng rupee của Ấn Độ rơi xuống mức thấp kỷ lục, còn đồng rand của Nam Phi, đồng ruble của Nga và đồng real của Brazil đã mất 15-20% giá trị trong năm nay.

Các chuyên gia cho rằng các nền kinh tế mới nổi dường như khá quen với những cuộc khủng hoảng như vậy. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết tính từ năm 1980 tới nay, có 9 thời kỳ trong đó tỷ giá hối đoái của đồng real giảm tới 30% hoặc hơn, sự mất giá được duy trì trong ít nhất ba năm, và sự lao dốc đã không đảo ngược được việc định giá quá mức trước đó.

Mexico cũng trải qua tình trạng tương tự như vậy vào năm 1995, Indonesia và Nga vào năm 1998 và Brazil là một năm sau đó. Argentina và Uruguay cũng ghi nhận sự sụt giảm tương tự vào năm 2002, Ai Cập vào năm 2003 và 2016, còn Ukraine vào năm 2014.

Nhà kinh tế trưởng Robin Brook tại IIF cho biết trong một báo cáo mới đây rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của các nước này đã giảm mạnh trong năm mà đồng nội tệ mất giá, nhưng sau đó sự phục hồi tương đối nhanh. Tài khoản vãng lai cũng chuyển từ tình trạng thâm hụt khá lớn sang thặng dư sau giai đoạn mất giá nhờ sự hỗ trợ bởi hoạt động nhập khẩu suy giảm trong khi xuất khẩu lại tăng theo thời gian.

Hiện đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng thị trường kéo dài nhiều tháng qua đang bắt đầu ảnh hưởng đến các nền kinh tế. Nam Phi bất ngờ bước vào thời kỳ suy thoái trong quý II/2018, Argentina được dự đoán sẽ theo sau và kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ trải qua một cuộc “hạ cánh cứng” trong năm tới.

Ông Murat Ulgen, trưởng nhóm nghiên cứu thị trường mới nổi toàn cầu tại ngân hàng HSBC cho biết trong một môi trường mà đồng USD tiếp tục mạnh lên cũng như lãi suất tại Mỹ tăng, điều này sẽ khiến các điều kiện tài chính quốc tế của các thị trường mới nổi bị thắt chặt, nhất là đối với những nền kinh tế đang trải qua tình trạng thâm hụt.

Bên cạnh đó, ông Ulgen nói thêm rằng trong khi phải đối mặt với tình trạng thoái vốn, nhiều nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi đã chọn việc tăng lãi suất, và điều này cũng thắt chặt điều kiện tài chính trong nước. Chuyên gia này cho hay giữa lúc thị trường còn quá nhiều biến động, các điều kiện tài chính nhiều khả năng vẫn sẽ nằm trong vùng tiêu cực và tác động tới hoạt động kinh tế trong thời gian tới.

Một đồng nội tệ yếu giúp cân bằng cán cân thanh toán bằng cách thúc đẩy khả năng cạnh tranh xuất khẩu đồng thời thắt chặt sức mua trong nước. Trong khi đó, thắt chặt hoạt động tín dụng lại làm suy giảm nhu cầu và ảnh hưởng tới tăng trưởng.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng đang theo dõi chặt chẽ và đánh giá tác động của một loạt xung đột thương mại và thuế quan đối với các nền kinh tế mới nổi vốn coi thương mại là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, dòng vốn sẽ đóng một vai trò quan trọng cho thấy các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất sẽ chống chịu cuộc khủng hoảng này như thế nào.

Năm ngoái, ngân hàng HSBC đã ước tính dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi là khá mạnh với lượng vốn đổ vào thị trường trái phiếu đạt 70 tỷ USD, trong khi con số vào thị trường chứng khoán là 65 tỷ USD.

Nhưng sau một khởi đầu khá lạc quan cho năm 2018, thị trường trái phiếu tại các nền kinh tế mới nổi đã phải chứng kiến tình hình đảo ngược hoàn toàn. Số liệu của HSBC cho thấy chỉ khoảng gần một nửa trong tổng số 55 tỷ USD tiền vốn đã đổ vào các thị trường chứng khoán tính đến cuối tháng Năm vừa qua.

Chuyên gia Luis Organes tại công ty dịch vụ tài chính JPMorgan cảnh báo rằng việc dòng vốn vào các thị trường mới nổi ngừng hoàn toàn hoặc giảm đột ngột sẽ khiến các nước đang chịu tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai lớn phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh.

Theo Bnews

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,780 90 25,880 90

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,08424 25,4544

  AUD

16,23851 16,92853

  CAD

17,72720 18,48121

  JPY

1600 1700

  EUR

26,848110 28,320116

  CHF

28,582120 29,797125

  GBP

31,831-144 33,184-150

  CNY

3,4676 3,6146