Chuyên gia quốc tế: Thần kỳ kinh tế có giúp Việt Nam vượt qua thách thức? 10:01 12/09/2018

Chuyên gia quốc tế: Thần kỳ kinh tế có giúp Việt Nam vượt qua thách thức?

Học giả Peter Vanham của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã có một bài viết phân tích về nền kinh tế Việt Nam

Mới đây, trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tác giả Peter Vanham đã có một bài viết mang tựa đề “Câu chuyện về điều thần kỳ của kinh tế Việt Nam”; trong đó ông đã điểm lại những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong 30 năm trở lại đây, đồng thời đưa ra một số lý giải cho sự phát triển đáng kinh ngạc này.

Báo Tổ Quốc xin trích dịch bài viết của Peter Vanham.

Việt Nam hiện là một trong những ngôi sao trong thiên hà các nền kinh tế mới nổi, với tăng trưởng kinh tế 6-7%/năm và trị giá xuất khẩu gần bằng tổng giá trị GDP. Tất cả các sản phẩm từ đồ thể thao Nike cho tới điện thoại di động thông minh Smartphone đều được sản xuất tại quốc gia ASEAN này. “Đó là thành công của Việt Nam”, Sheng Lu, Phó Giáo sư tại Đại học Delaware nhận định với tờ Financial Times.

Vậy nguyên nhân nào dẫn tới sự tăng trưởng thần kỳ trên? Theo các nhà phân tích của Ngân hàng Thế giới và tổ chức nghiên cứu chính sách Brookings, sự phát triển của kinh tế Việt Nam có thể được giải thích từ ba yếu tố chính: “Đầu tiên, Việt Nam đã hòa nhập được vào dòng chảy thương mại tự do. Thứ hai, Việt Nam đã kết hợp thành công thương mại tự do bên ngoài với đổi mới từ bên trong bằng cách giảm bớt các rào cản và hạ chi phí kinh doanh. Cuối cùng, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực và vốn, đặc biệt là thông qua đầu tư công”.

Đối với yếu tố đầu tiên, các nhà phân tích chỉ ra một loạt các thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia trong 20 năm trở lại đây… Tác động của tất cả những hiệp định này chính là việc các rào cản thuế quan ở cả nhập khẩu và xuất khẩu đã dần được giảm bớt.

Động lực của chính phủ Việt Nam hướng tới một nền kinh tế mở cũng bao gồm cả loạt cải cách từ bên trong. Năm 1986, Việt Nam lần đầu tiên công bố Luật Đầu tư nước ngoài, cho phép các công ty nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Kể từ đó, như hãng luật quốc tế Baker & McKenzie từng nhắc tới trong một bản báo cáo năm 2016, Bộ luật trên đã được sửa đổi nhiều lần nhằm giảm các thủ tục hành chính, tăng cường tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Những nỗ lực của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Trong Báo cáo về tính cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam từ thứ hạng 77 năm 2006, tăng lên thứ hạng 55 vào năm 2017. Bảng xếp hạng Mức độ dễ dàng để kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đặt Việt Nam ở vị trí 68 vào năm 2017, tăng 36 bậc từ vị trí 104 năm 2007. Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới nhận xét, Việt Nam tiến bộ trên mọi lĩnh vực từ thực hiện hợp đồng, tăng cường tiếp cận tín dụng, trả thuế và thương mại dọc biên giới…

Cuối cùng, Việt Nam đầu tư rất nhiều vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Quốc gia Đông Nam Á dành những khoản đầu tư công lớn vào giáo dục. Đây là một điều cần thiết bởi vì dân số gia tăng đồng nghĩa với nhu cầu việc làm cũng tăng cao. Nhưng Việt Nam cũng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo số đông có thể tiếp cận Internet với mức giá rẻ. Đông Nam Á đang đứng trước ngưỡng của của cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Tư, và có được một cơ sở hạ tầng IT vững chắc là một sự chuẩn bị vô cùng thiết yếu.

Những khoản đầu tư trên đã đem tới “trái ngọt”… Việt Nam đã trở thành nơi thu hút đầu tư và sản xuất nước ngoài tại Đông Nam Á… Năm 2017, tờ Financial Times từng đánh giá, Việt Nam là nhà xuất khẩu đồ may mặc lớn nhất trong khu vực và lớn thứ hai về xuất khẩu đồ điện tử (sau Singapore).

Kể từ năm 2010, GDP của Việt Nam luôn tăng trưởng tối thiểu là 5%/năm và năm 2017 còn đạt mức 6,8%. Với tốc độ này, từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập gần trung bình. Quan trọng hơn, phát triển kinh tế ở Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng khá bao trùm. Theo Chỉ số phát triển bao trùm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế đã làm rất tốt trong việc đưa tăng trưởng trở nên bao trùm và bền vững hơn…

Điều gì có thể làm chậm được bước tiến của Việt Nam? Đầu năm nay, tờ Financial Times cảnh báo, khi toàn cầu hóa không còn là lựa chọn hàng đầu, Việt Nam tỏ ra rất dễ bị tổn thương. Với xuất khẩu chiếm 99,2% GDP, phần lớn thành công của Việt Nam dựa trên đầu tư và thương mại nước ngoài. Là một thị trường mới nổi, quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ đối mặt với sự giảm sút đầu tư khi đồng USD mạnh lên.

Tuy nhiên, ngay hiện tại, Việt Nam có vẻ như đang hưởng lợi thay vì chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những căng thẳng thương mại toàn cầu. Những chính sách mới của Mỹ trong thương mại được đánh giá là có tác động nhiều tới Trung Quốc hơn là Việt Nam. Việc Washington áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến nhiều công ty cân nhắc tái di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Ngay cả khi Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ phương Tây đang gia tăng, các quốc gia Đông Nam Á vẫn có thể dựa vào tầng lớp trung lưu của mình để tạo ra cú thúc kinh tế mới. Các nhà bán lẻ quốc tế và cả nội địa đều đang mở rộng kinh doanh mạnh mẽ tại Việt Nam khi người dân ngày càng có nhiều khả năng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ.

Điều này có nghĩa là, một ngày nào đó, thay vì các cửa hàng nhỏ bận rộn và xe máy, Việt Nam sẽ ngập tràn các trung tâm thương mại lớn và ô tô. Nhưng lúc này đây, Việt Nam vẫn đang phát triển với tốc độ của mình và bằng cách của riêng mình.

Theo Báo Tổ Quốc

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,500 -245 25,800 -45

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,08424 25,4544

  AUD

16,23851 16,92853

  CAD

17,72720 18,48121

  JPY

1600 1700

  EUR

26,848110 28,320116

  CHF

28,582120 29,797125

  GBP

31,831-144 33,184-150

  CNY

3,4676 3,6146