Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu trong hai tháng cuối năm 15:32 06/11/2023

Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu trong hai tháng cuối năm

Báo cáo phân tích thị trường tiền tệ mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng áp lực tỷ giá vẫn thường trực trong các tháng cuối năm khi các rủi ro liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt chưa được hiện thực hóa hết.

Ngày 2/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11. Tuy không tăng lãi suất trong kỳ họp lần này nhưng các định hướng chính sách tiền tệ của Fed trong giai đoạn tới được đánh giá mang tính chất diều hâu hơn khi để ngỏ khả năng có thêm một lần tăng lãi suất và không kỳ có bất cứ định hướng về thời điểm giảm lãi suất trong tương lai. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Anh (BOE) cũng quyết định giữ nguyên lãi suất cho thấy các nhà điều hành vẫn tiếp tục phải đối mặt lựa chọn chính sách cân bằng hợp lý nhằm ứng phó với lạm phát dai dẳng vừa đồng thời hỗ trợ nền kinh tế khi khả năng rơi vào trạng thái suy thoái vẫn đang hiện hữu.

Trong tháng 10, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã hút ròng 118.349 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Đỉnh điểm trong tháng, số dư tín phiếu NHNN có thời điểm đạt gần 238.000 tỷ đồng gần tương đương doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm trong một phiên. Lợi suất tín phiếu cũng đã nhích tăng nhẹ lên 1,45%.

Lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ trong tháng sau khi một phần thanh khoản dư thừa được NHNN tạm thời hấp thụ thông qua phát hành tín phiếu. Chốt tháng 10, lãi suất các kỳ hạn qua đêm đến 3 tháng được ghi nhận lần lượt ở 0,75%, 1,125%, 1,5%, 2,22% và 3,333%. Mặc dù vậy, lãi suất liên ngân hàng giai đoạn này vẫn thấp hơn đáng kể so với trung bình 6 tháng đầu năm.

“NHNN sẽ tiếp tục có các điều hành thông qua nghiệp vụ thị trường mở nhằm tránh hiện tượng thanh khoản quá dư thừa trên thị trường liên ngân hàng và phần nào giải tỏa áp lực tỷ giá”, VCBS nhận định.

Đại diện Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, từ nay đến cuối năm, áp lực đối với tỷ giá vẫn còn do thách thức đến từ việc lợi suất tại thị trường Mỹ tăng về mức kỷ lục cùng với việc chỉ số đồng USD neo ở mức cao, 106-107 điểm. Tiền đồng tiếp tục mất giá mạnh so với đồng USD trong tháng 7 nhưng vẫn chưa trở lại vùng đỉnh đã thiết lập vào tháng 10/2022. Tỷ giá trên thị trường liên NH ngày 25/10 ở mức 24.571 đồng/USD, cao hơn 1,09% so với cuối tháng 9. So với đầu năm, tiền đồng đã mất giá khoảng 3,5-4,3%, đồng thời tỷ giá trên thị trường chính thức tăng mạnh hơn tỷ giá trên thị trường tự do. Giá bán USD tại Vietcombank có lúc lên 24.760 đồng/USD (cao hơn 4,3% so với đầu năm), còn giá bán USD trên thị trường chợ đen là 24.600 đồng/USD (cao hơn 3,5% so với đầu năm).

Theo đánh giá của giới chuyên môn, từ nay đến cuối năm sức ép lên tỷ giá vẫn còn. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tỷ giá của Việt Nam không chỉ ảnh hưởng bởi quyết định về lãi suất của Fed mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như giá cả các loại hàng hóa cơ bản, như giá dầu có xu hướng tăng bởi tình hình bất ổn tại Trung Đông.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM

Yếu tố nữa là sự chênh lệch giữa lãi suất giữa VND và USD. NHNN cũng đang cố gắng giảm chênh lệch lãi suất thông qua phát hành tín phiếu hút tiền về. Giải pháp này cũng đã phát huy hiệu quả, nhưng chênh lệch lãi suất vẫn còn. Nhu cầu nhập hàng nhiều vào cuối năm để phục vụ sản xuất kinh doanh dịp lễ, Tết cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

Do đó, sức ép lên tỷ giá những tháng cuối năm là khá lớn nhưng áp lực này, theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân chủ yếu do yếu tố mùa vụ nhiều hơn nên phải chấp nhận mức độ giảm giá VND tương đối trong ngắn hạn.

Tỷ giá tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân nhận định thêm, năm 2023, tỷ giá không phải là vấn đề quan ngại đối với nền kinh tế. Với diễn biến thị trường như hiện nay, dự báo từ nay đến cuối năm tỷ giá tăng thêm 1-2% và cả năm có thể tăng 4-5%, thậm chí có nhỉnh hơn một chút cũng không sao. Bởi so với nhiều nước đồng nội tệ của họ mất giá lên đến 2 con số thì tỷ giá VND/USD duy trì ở mức trên là một thành công lớn đối với Việt Nam.

Cũng có ý kiến lo ngại về tỷ giá “nhảy múa”, song Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, thị trường phải chấp nhận có lúc lên, lúc xuống. Nếu để “cứng đơ” thì không còn là kinh tế thị trường và cũng không thể có sự bất biến trong tỷ giá. Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, NHNN kiên định mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét, so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển, tỷ giá của Việt Nam được cơ quan điều hành rất tốt. Tỷ giá tuy có tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và ở mức hợp lý; vừa hỗ trợ cho xuất khẩu, vừa đảm bảo thu hút được dòng vốn đầu tư.

Theo nhận định của các chuyên gia, động thái ngừng tăng lãi suất mới đây của Fed có thể giúp đồng USD chững lại và sẽ theo xu hướng đi xuống, áp lực tỷ giá sẽ giảm. Bởi thời gian vừa qua, áp lực tăng tỷ giá chủ yếu do giá USD tăng.

Trong khi đó, một số ý kiến lo ngại nhu cầu nhập hàng nhiều vào cuối năm để phục vụ sản xuất kinh doanh dịp lễ Tết có thể sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Song, một chuyên gia cho rằng yếu tố vụ mùa năm nay không phải là vấn đề đáng lo, vì nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa không cao như mọi năm do cầu hàng hóa kinh tế thế giới vẫn thấp. Thêm nữa, cán cân thương mại đang thặng dư lớn. Ngoài ra, NHNN đã sử dụng công cụ tín phiếu hút tiền về khá hiệu quả trong giai đoạn vừa qua.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia nhìn nhận, trong một số thời điểm, việc tỷ giá giữ ở mức thấp cũng chưa hẳn đã tốt, nhất là không khuyến khích được xuất khẩu. Chẳng hạn, hiện nay, khi đồng tiền của rất nhiều quốc gia trên thế giới đang mất giá mạnh lên đến hai con số so với USD, nếu cứ cố neo giữ VND ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam đắt hơn so với các nước, khó cạnh tranh. Do đó, việc đồng VND có giảm giá thêm từ nay đến cuối năm cũng là chuyện bình thường.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng nếu VND năm nay mất giá khoảng 4% so với USD vẫn là mức chấp nhận được. Như vậy, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam mới được cải thiện. Cán cân thương mại Việt Nam hiện vẫn đang thặng dư, NHNN vẫn có thể mua USD để tăng dự trữ quốc gia. Dòng vốn FDI đăng ký có suy giảm nhưng giải ngân thực tế lại tăng. Đây là những điểm sáng, củng cố niềm tin vào khả năng điều hành tỷ giá của NHNN. Vì vậy, sự mất giá của VND hiện chưa có gì đáng lo ngại.

tygiausd.org

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,650 30 25,750 30

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,0840 25,4540

  AUD

16,2380 16,9280

  CAD

17,7270 18,4810

  JPY

1600 1700

  EUR

26,8480 28,3200

  CHF

28,5820 29,7970

  GBP

31,8310 33,1840

  CNY

3,4670 3,6140