Ngày 16.12, nhân viên phòng giao dịch ngân hàng (NH) V. tư vấn mức lãi suất (LS) gửi tiết kiệm từ 6 tháng trở lên là 9,3%/năm. Mức này trùng với mức cao nhất ở bảng LS trên quầy. Nhưng khi chúng tôi hỏi với số tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên có được ưu đãi thêm gì không, người này cho biết sẽ cộng thêm LS từ 1 - 1,1%, lên 10,3 - 10,4%/năm.
Tuy nhiên, nhân viên cũng khuyến cáo nhà nước đang có chủ trương giảm LS huy động xuống 9,5%/năm nên có thể mức LS sẽ thay đổi trong thời gian tới. Khách gửi sớm với kỳ hạn dài sẽ có mức LS tốt hơn. Có một hiện tượng là thay vì nhắn tin mời chào với LS cao thì giờ đây, nhân viên nhiều nhà băng gọi điện thẳng cho khách hàng thân thiết tư vấn vì sợ bị chụp màn hình. Chị Mai Thảo (ngụ Q.7, TP.HCM) kể mới đây, nhân viên NH S. chủ động điện thoại mời chào LS gửi 6 - 8 tháng từ 11,1 - 11,8%/năm, từ 18 tháng trở lên từ 12,5 -12,7%/năm…, trong khi LS huy động mà nhà băng này công bố cao nhất cũng chỉ 9,2%/năm.
Theo nhân viên này, NH không cho phép nhắn tin cho khách hàng vì sợ để lại bằng chứng. Chỉ có khách hàng VIP mới nhận được mức LS này… Trên các trang mạng xã hội hay những diễn đàn, nhân viên NH trước áp lực huy động vốn đã công khai mức LS huy động lên mức trên 12%/năm.
Sau khi có thông tin đưa LS huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, mặt bằng LS vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. LS huy động của một số nhà băng vẫn ở mức cao. Chẳng hạn, Saigonbank áp dụng LS huy động 6 tháng ở mức 9,6%/năm, 9 tháng ở mức 9,8%/năm, 12 tháng lên 10%/năm và mức cao nhất là 10,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng. DongABank huy động LS cao nhất 9,85%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng trở lên. Ngoài ra, nhà băng này còn cộng thêm biên độ từ 0,7 - 1,1% tùy theo kỳ hạn gửi 6 hay 13 tháng cuối kỳ, dựa vào số tiền gửi. Hay SCB duy trì LS huy động tiết kiệm online 9,9%/năm từ kỳ hạn 6 tháng trở lên
Trước đó, kết thúc cuộc họp với các NH ngày 15.12, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho biết đã có công văn gửi các NH về việc thực hiện cam kết thống nhất mức LS huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng LS). Có thể mất vài ngày, các NH mới triển khai được trên toàn bộ hệ thống kéo LS huy động xuống. Bởi theo ông Hùng, nếu không giảm LS huy động thì khó có thể giảm LS vay, hỗ trợ nền kinh tế trong năm tới.
Theo ông Hùng, mặt bằng LS huy động ở thị trường 1 cao, phổ biến từ 9 - 10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số NH có mức LS lên tới 11,5%/năm. LS huy động tăng cao dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây tâm lý bất ổn cả cho người gửi tiền lẫn người vay tiền. Hơn nữa, chi phí vốn của các nhà băng cũng tăng lên nhiều so với thời điểm 9 tháng. Sau khi NH Nhà nước (NHNN) điều chỉnh hạn mức tín dụng từ 1,5 - 2%, đã có 16 NH đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng, mức LS giảm từ 0,5% - 3%/năm.
“Việc tăng LS huy động như thời gian qua chỉ làm vốn từ NH này chảy từ NH này sang NH khác. Chi phí huy động tăng lên thì làm sao giảm LS cho vay đối với doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế. Buôn có bạn, bán có phường, đã đồng lòng mức LS huy động tối đa như vậy mà không thực hiện là không sòng phẳng với nhau. Trong những ngày tới, LS huy động NH nào chưa giảm xuống như mức đã cam kết, hay có chuyện vượt rào chi thêm lãi bên ngoài, ngay cả tặng quà làm vượt quá mức này, VNBA sẽ báo cáo lên cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cảnh báo việc áp đặt các biện pháp hành chính trong điều hành chính sách LS hiện nay dễ đi theo vết xe đổ của năm 2009 - 2011. Lúc đó, NHNN áp trần LS huy động, các NH nhỏ buộc phải “đi đêm” huy động LS, dẫn đến LS tăng cao, bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng lên…
Vì thế, muốn giải quyết cuộc đua huy động LS hiện nay, theo ông Nguyễn Hữu Huân, NHNN cần bơm vốn cho những NH đang mất thanh khoản, đặc biệt là những NH có mức LS lên cao 12 - 13%/năm. Biện pháp kêu gọi LS huy động mức trần 9,5%/năm dù không phải từ NHNN đưa ra cũng sẽ khó cho những NH nhỏ, đang bị mất thanh khoản cần huy động vốn. Bởi, nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân sẽ chảy vào những NH lớn có uy tín khi mức LS huy động không chênh lệch nhiều giữa các nhà băng. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng những NH nào thiếu vốn lại càng thêm thiếu. Khó tránh khỏi việc huy động bất chấp giá nào. Ngoài ra, nhìn vào tỷ lệ giữa dư nợ tín dụng trên huy động (LDR) của một số NH hiện nay đang trong tình trạng báo động. Đây là nguồn cơn cho cuộc đua LS thời gian qua.
Khi NHNN thực hiện bơm vốn cho những nhà băng yếu thanh khoản thì không còn tình trạng chạy đua huy động hút vốn giữa các NH với nhau nữa. Vấn đề thanh khoản NH được giải quyết thì tự động LS sẽ giảm. Không NH nào muốn đẩy LS huy động lên cao cả. Tốc độ huy động vốn của các NH trong thời gian qua chậm hơn cho vay. Nên ngay cả cấp thêm hạn mức tín dụng 200.000 tỉ đồng vừa qua mà NH không huy động vốn được thì cho vay ra cũng khó.
TS Nguyễn Hữu Huân
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
USD chợ đen |
25,655 -45 | 25,755 -45 |
Giá đô hôm nay |
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
Vàng SJC | 82,500 | 84,500 |
Vàng nhẫn | 81,500 | 82,800 |
Tỷ giá hôm nay |
||
---|---|---|
Ngoại Tệ | Mua vào | Bán Ra |
USD |
25,0840 | 25,4540 |
AUD |
16,2380 | 16,9280 |
CAD |
17,7270 | 18,4810 |
JPY |
1600 | 1700 |
EUR |
26,8480 | 28,3200 |
CHF |
28,5820 | 29,7970 |
GBP |
31,8310 | 33,1840 |
CNY |
3,4670 | 3,6140 |