Chỉ số Dow Jones của Mỹ hôm qua đóng cửa giảm hơn 100 điểm, tương đương 0,5%, nhưng trước đó trong phiên đã có thời khắc rớt gần 548 điểm. Cả 2 chỉ số lớn còn lại là Nasdaq và S&P 500 cũng đón nhận lực bán tháo mạnh mẽ ngay từ khi mở cửa, trước khi có thể phần nào cắt giảm thua lỗ vào cuối phiên.
Và mặc dù chứng khoán Mỹ khi kết thúc đã bật trở lại khá tích cực từ mức thấp nhất vào hôm qua, thì ngày càng nhiều những lo ngại rằng nỗi sợ hãi về Trung Quốc đang trở thành chất xúc tác chính, mà cuối cùng sẽ lây lan đến phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả những nước phát triển. Tâm lý này xuất hiện sau khi chỉ số Shanghai trên sàn Thượng Hải hôm qua cũng đã giảm mạnh 2,3%, trong khi chỉ số Shenzen đóng cửa giảm 1,9%, kết thúc mạch tăng ngắn ngủi 2 ngày trước đó khi được hỗ trợ bởi những lời trấn an thị trường từ các lãnh đạo Trung Quốc.
Nhìn chung, chỉ số Shanghai đã mất 27% giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào ngày 24/01 đầu năm nay, trong khi chỉ số Shenzen trên sàn Thâm Quyến đo lường giá trị của những doanh nghiệp vốn hóa nhỏ cũng đã giảm 34% kể từ cuối tháng giêng đến nay. Điều đó có nghĩa là cả hai chỉ số chuẩn này đều đã rớt sâu vào thị trường con gấu, vốn được xác định bởi mức giảm ít nhất 20% từ mức đỉnh gần nhất.
Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Forex.com, chia sẻ rằng ông đã thấy những dấu hiệu tác động lây lan sang thị trường hàng hóa từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi Trung Quốc luôn là nhà nhập khẩu lớn các sản phẩm kim loại, dầu thô và các nguyên liệu thô khác.
Razaqzada viết: “Sự phá giá liên tục của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ là một trong những dấu hiệu cho thấy nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa được định giá bằng USD chắc chắn đã bị ảnh hưởng. Với việc thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, điều này có lẽ cũng làm giảm sức mua của họ”.
Rõ ràng với một nền kinh tế giảm tốc, các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và giá cổ phiếu giảm xuống, thì nhu cầu nhập khẩu các nguyên nhiên liệu đầu vào để phục vụ cho hoạt động sản xuất khó có thể duy trì ở mức cao như thời gian trước đây.
Giá của kim loại đồng cao cấp vốn được sử dụng rộng rãi như là kim loại công nghiệp trong các ngành sản xuất, xây dựng và điện tử đã giảm đến 16,5% trong năm nay, và riêng tháng 10 tính đến hiện tại cũng đã giảm 1,7%. Giá kim loại này đang tiếp tục xu hướng sụt giảm và ghi nhận có đến 5 tháng đi xuống trong 6 tháng qua.
Do được sử dụng trong công nghiệp, giá kim loại thường được xem như một chỉ số kinh tế hàng đầu, và những dấu hiệu suy yếu gần đây là từ các sự rạn nứt trong nền kinh tế Trung Quốc, mà các chuyên gia thị trường cho rằng đã bị khuếch đại thêm bởi cuộc đụng độ thương mại của Bắc Kinh với Hoa Kỳ.
Thật vậy, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong quý 3 chỉ còn tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức tăng 6,7% trong quý III, và đánh dấu tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất của Trung Quốc trong gần một thập kỷ qua.
Một báo cáo nghiên cứu từ Capital Economics công bố hôm qua cho biết những lo ngại về nền kinh tế Mỹ “ở một mức độ nào đó trong vài ngày qua là bắt nguồn từ Trung Quốc“, và dấu hiệu này đang chứng minh rằng sự lây lan sang các thị trường rộng lớn hơn đã bắt đầu.
Sự ngược chiều nhau giữa hiệu suất của chứng khoán Mỹ và phần còn lại của thế giới cũng được coi là bằng chứng để hỗ trợ quan điểm cho rằng tai họa của Trung Quốc đang lây nhiễm sang các thị trường toàn cầu bên ngoài Hoa Kỳ.
Ví dụ, chỉ số iShares MSCI ACWI ex US ETF, một quỹ phổ biến được sử dụng để đầu tư vào cổ phiếu bên ngoài Hoa Kỳ, đã giảm 11,5% từ đầu năm đến nay, ngược chiều so với mức tăng 2,5% của chỉ số S&P trong cùng giai đoạn, ngay cả khi chứng khoán Mỹ đã gánh chịu sự sụt giảm nặng nề trong những tuần gần đây. Một quỹ phổ biến khác thường đầu tư vào các thị trường mới nổi là iShares MSCI Emerging Markets cũng đã mất gần 16% trong 10 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, Trung Quốc đã sẵn sàng cho một đợt kích thích tiền tệ và tài chính mới để hỗ trợ nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Cụ thể mới đây chính phủ nước này đã công bố kế hoạch thúc đẩy tài trợ trái phiếu cho các công ty tư nhân và cắt giảm thuế cho các hộ gia đình.
Những nỗ lực này của chính phủ Trung Quốc diễn ra khi nước này và Mỹ vẫn đang bị mắc kẹt trong một tranh chấp thương mại, mà nhiều nhà phân tích cảm thấy đang bắt đầu tác động rõ rệt lên cả thị trường Trung Quốc và Mỹ. Theo các nhà kinh tế học tại Capital Economics, sự kém hiệu quả của các lĩnh vực có tính chu kỳ tại 2 nước này so với các công ty cùng ngành trên toàn thế giới, kể từ khi chứng khoán toàn cầu bắt đầu giảm trở lại vào tháng trước, đã phản ánh những lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng cho cả Trung Quốc và Mỹ.
Báo cáo viết: “Và theo dự báo của chúng tôi cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục mất đà, trong khi nền kinh tế Mỹ cũng sẽ chậm lại trong năm 2019. Chúng tôi tin rằng cả 2 thị trường cũng sẽ tiếp tục thể hiện sự kém hiệu quả. Điều này sẽ phù hợp với những gì đã xảy ra trong cuộc suy thoái kinh tế trước đó.”
Theo TGTT
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
USD chợ đen |
26,375 -35 | 26,475 -35 |
Giá đô hôm nay |
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
Vàng SJC | 120,000 | 122,000 |
Vàng nhẫn | 120,000 | 122,030 |
Tỷ giá hôm nay |
||
---|---|---|
Ngoại Tệ | Mua vào | Bán Ra |
USD |
25,0840 | 25,4540 |
AUD |
16,2380 | 16,9280 |
CAD |
17,7270 | 18,4810 |
JPY |
1600 | 1700 |
EUR |
26,8480 | 28,3200 |
CHF |
28,5820 | 29,7970 |
GBP |
31,8310 | 33,1840 |
CNY |
3,4670 | 3,6140 |