Fed sẽ dừng tăng lãi suất, nếu… 09:39 11/09/2018

Fed sẽ dừng tăng lãi suất, nếu…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những diễn biến hiện nay tại các thị trường mới nổi chưa đủ làm thay đổi lập trường của Fed.

Cách đây 20 năm, Chủ tịch Fed lúc bấy giờ là ông Alan Greenspan đã từng đặt câu hỏi: Liệu Mỹ vẫn có thể là một “ốc đảo thịnh vượng” trong một nền kinh tế thế giới ngày càng khó khăn? 20 năm sau, Chủ tịch Fed hiện tại Jerome Powell cũng đang đối mặt với một câu hỏi tương tự khi mà việc tăng lãi suất của Fed đang góp phần khiến nhiều thị trường mới nổi sụp đổ.

Thách thức mà Powell và các đồng nghiệp của ông đang phải đối mặt đó là một nghịch lý chính sách. Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu mạnh mẽ hơn thúc đẩy Fed phải tiếp tục nâng lãi suất lên cao hơn. Tuy nhiên động thái tăng lãi suất của Fed lại đang đẩy các thị trường mới nổi rơi vào tình thế khó khăn, từ đó có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ.

Đà bán tháo trên cả hai thị trường cổ phiếu và tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi đã khiến các chiến lược gia của JPMorgan Chase & Co. và BlackRock Inc. cảnh báo về sự lây lan qua các thị trường khác. Họ cũng bắt đầu đặt ra câu hỏi về tính bền vững của đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

“Một trong những yếu tố đang tác động đến tất cả các thị trường mới nổi đó là Fed”, Kristina Hooper – Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco – định chế đang quản lý lượng tài sản trị giá 988 tỷ USD cho biết. Với việc Fed tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối tài sản, “chúng ta đã có hai công cụ thắt chặt cùng một lúc”.

Triển vọng chi phí vay mượn tăng cao đã tạo áp lực lớn đến các thị trường mới nổi, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài chính nước ngoài. “Jay có một cảnh quan phức tạp để điều tiết”, Robin Brooks – Kinh tế gia trưởng của Viện Tài chính quốc tế (IIF) nói, đề cập đến biệt danh của Chủ tịch Fed hiện nay. “Kinh tế Mỹ đang rất mạnh, nhưng căng thẳng cũng đang hình thành tại các thị trường mới nổi”.

Sự mâu thuẫn mà Fed đang phải đối mặt đã tăng lên cao độ vào thứ Ba tuần trước khi mà các số liệu sản xuất mạnh hơn dự báo tại Mỹ đã thúc đẩy kỳ vọng tăng tiếp lãi suất trong tháng này, song lại mang đến tâm lý rủi ro cho các thị trường mới nổi. Sự hỗn loạn có thể tiếp diễn vào đầu tuần tới nếu Báo cáo việc làm tháng 8 tại Mỹ tiếp tục cho thấy một bức tranh tươi sáng về kinh tế, đặc biệt khi tăng trưởng tiền lương lấy lại tốc độ.

Theo dự báo trung bình của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg, nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo thêm được 198.000 việc làm mới vào tháng trước, sau khi tăng 157.000 việc làm vào tháng 7. Thất nghiệp được dự báo là sẽ tiếp tục giảm xuống 3,8% từ 3,9%, trong khi tăng trưởng tiền lương hàng năm ổn định ở 2,7%.

Không chỉ cuộc khủng hoảng tại nhiều thị trường mới nổi, kinh tế Mỹ cũng đang phải đối mặt với một rủi ro khác đó là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cũng như căng thẳng giữa Mỹ với nhiều nền kinh tế lớn khác.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, những diễn biến hiện nay tại các thị trường mới nổi chưa đủ làm thay đổi lập trường của Fed. “Tôi không thấy chu kỳ thị trường mới nổi có thể thay đổi (lập trường của Fed) cho đến khi chúng ta tiến gần đến cuối chu kỳ thắt chặt của Fed”, Marc Chandler – Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Brown Brothers Harriman & Co. nói với đài truyền hình Bloomberg vào ngày 4/9.

“Tại thời điểm này, những gì chúng ta đang thấy trong không gian thị trường mới nổi là không đủ để cho Fed tạm dừng”, Peter Hooper – chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank Securities ở New York cũng có chung quan điểm.

Hooper, người đã có 26 năm làm việc tại Fed, cho biết rất hiếm khi diễn biến tại nước ngoài có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Mỹ. Tuy nhiên điều đó đã xảy ra vào năm 1998, khi Greenspan đã phải giảm lãi suất 3 lần liên tiếp khi cuộc khủng hoảng châu Á lan sang Nga và bắt đầu lây lan sang các thị trường tài chính ở Mỹ.

Còn hiện nay, cuộc khủng hoảng vẫn còn hạn hẹp. Hooper nhìn thấy kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm nay và tiếp theo, mặc dù có lẽ sẽ không mạnh như trước đây do những căng thẳng thị trường mới nổi.

“Không giống như 20 năm trước, nền tảng cơ bản của các thị trường mới nổi nói chung là tốt hơn nhiều”, Nathan Sheets – kinh tế gia trưởng tại PGIM Fixed Income và là cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế nói.

Mặc dù vậy theo Robin Brooks, người từng là chiến lược gia ngoại hối của Goldman Sachs Group Inc. trước khi gia nhập IIF năm ngoái cho biết, quan điểm của Fed có thể sẽ thay đổi nếu sự hỗn loạn lan sang Trung Quốc.

Còn nhớ, Fed đã dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tháng 9/2015, nhưng cuối cùng họ đã trì hoãn một động thái đó sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ khiến cho thị trường tài chính toàn cầu rúng động.

Điều tương tự cũng xảy ra vào năm 2016, khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh đã khiến Fed hoãn lại việc tăng lãi suất đã được lên kế hoạch vào tháng 3/2016.

“Những gì xảy ra tại Trung Quốc là rất quan trọng”, David Hensley – Giám đốc kinh tế toàn cầu của JPMorgan Chase ở New York cho biết. Bởi vậy, mặc dù hiện các nhà đầu tư đang đặt cược rất lớn là Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay tại cuộc họp diễn ra ngày 26/9. Tuy nhiên họ không chắc chắn về những gì xảy ra sau đó, mặc dù chính các nhà hoạch định chính sách vẫn duy trì quan điểm sẽ tăng dần lãi suất trong năm tới và vào năm 2020.

Theo Thời báo Ngân hàng

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,500 -245 25,800 -45

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,08424 25,4544

  AUD

16,23851 16,92853

  CAD

17,72720 18,48121

  JPY

1600 1700

  EUR

26,848110 28,320116

  CHF

28,582120 29,797125

  GBP

31,831-144 33,184-150

  CNY

3,4676 3,6146