Đây là những nhận định được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Thị trường tháng 5/2018 của Ngân hàng Standard Chartered. Theo đó, Hội đồng đầu tư toàn cầu của Standard Chartered dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 2 hoặc 3 lần trong năm 2018. NHTW châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ rút gói kích cầu, trong khi NHTW Nhật Bản (BoJ) sẽ giữ nguyên chính sách nới lỏng và NHTW Trung Quốc (PBoC) sẽ giữ chính sách thắt chặt do tập trung vào việc giảm đòn bẩy, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Cụ thể, Hội đồng đầu tư toàn cầu của Standard Chartered đánh giá xác suất 40% cho kịch bản chính là phục hồi CSTT với tăng trưởng mạnh và lạm phát tăng nhẹ trong 12 tháng tới. Xác suất này giảm nhẹ so với mức 45% cách đây 1 tháng và phản ánh kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu đã đạt đỉnh, đặc biệt là ở khu vực châu Âu và Nhật Bản.
Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn ở trên mức trung bình tại các thị trường phát triển, đặc biệt là ở Mỹ và có khả năng được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng cao và đầu tư tư nhân tăng tốc sau chính sách cắt giảm thuế năm ngoái. Lạm phát tăng mạnh ở Mỹ vẫn là yếu tố rủi ro lớn nhất (xác suất 20%) cho kịch bản này, trong khi căng thẳng thương mại và việc thanh khoản đồng USD bị thắt chặt khi Fed tăng lãi suất lộ ra như những rủi ro tiềm tàng khác. Do đó, xác suất của kịch bản “trì trệ” đã tăng từ 25% lên 30%.
Tại Mỹ, dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 ổn định ở mức 2,8%. “Chúng tôi kỳ vọng mức tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục tốt do thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân đang nổi lên như động lực tăng trưởng chính khi các DN tận dụng lợi thế của thuế thấp hơn và các quy định DN được nới lỏng. Chi tiêu DN cao hơn thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng năng suất và kéo dài giai đoạn bão hòa của chu kỳ kinh doanh”, báo cáo cho biết. Đồng thời, với lạm phát đã bắt đầu tăng trở lại, thì nhiều khả năng Fed có thể sẽ tăng lãi suất 2 đến 3 lần trong năm nay bất chấp thương mại bất ổn nhằm ngăn chặn nền kinh tế quá nóng.
Trong khi đó tại châu Âu, bất ổn thương mại đang làm suy giảm niềm tin của DN trong bối cảnh xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù châu Âu tạm thời được miễn thuế xuất khẩu vào Mỹ. Chi phí vay thấp kỷ lục tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng trong khu vực. Ngoài ra, Đức có dấu hiệu giảm thắt chặt CSTT, điều này có thể hỗ trợ tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, ECB nhiều khả năng tiếp tục rút gói kích cầu, nhưng khó có khả năng tăng lãi suất trước năm 2019.
Với Nhật Bản, các vấn đề về thương mại, chính trị dường như đang che mờ triển vọng kinh tế. Bất ổn thương mại làm giảm xuất khẩu, với dấu hiệu rõ nét là tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản – động lực chính của nền kinh tế – đã chậm lại kể từ đầu năm nay. Các tranh chấp thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây thêm bất ổn. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng chính sách của BoJ theo hướng nới lỏng sẽ không thay đổi do lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu 2% và những yếu tố bất ổn trong chính phủ của Thủ tướng Abe.
Với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, các chuyên gia Standard Chartered nhận định việc nền kinh tế có được khởi đầu mạnh mẽ trong năm 2018 và lạm phát thấp sẽ cho phép PBoC theo đuổi các biện pháp giảm đòn bẩy DN, đồng thời kích cầu tiêu dùng trong nước.
Dự báo của Standard Chartered cũng cho thấy, các NHTW châu Á ngoài Nhật Bản có khả năng sẽ tăng dần lãi suất trong vòng 12 tháng tới để theo kịp Fed. Rủi ro chính với các dự báo được đưa ra ở trên là lạm phát có thể tăng mạnh, đặc biệt ở Mỹ. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại, tranh chấp địa chính trị và thanh khoản thắt chặt cũng có thể là những yếu tố gây rủi ro lớn hơn.
Một câu hỏi được đặt ra là: Điều gì đáng quan ngại với đường cong lợi suất của Mỹ và NĐT có nên lo lắng? Nỗi lo sợ lớn nhất đối với một NĐT cổ phiếu là giai đoạn suy thoái vì lợi nhuận DN thường sụt giảm trong giai đoạn này và do đó, giá cổ phiếu lao dốc – mức sụt giảm trung bình của TTCK Mỹ trong giai đoạn suy thoái kể từ năm 1980 là 33%.
Trong lịch sử, đường cong lợi suất đảo ngược – lợi suất dài hạn giảm xuống thấp hơn lợi suất ngắn hạn – thường báo hiệu một cuộc suy thoái sắp đến. Mọi người có lý do để lo về điều này vì trong thực tế, đường cong lợi suất đã phẳng hơn đáng kể trong những tháng gần đây do lãi suất ngắn hạn đã tăng nhiều hơn lợi suất dài hạn. Điều này đã dẫn đến những lo ngại rằng đường cong lợi suất có thể đảo ngược trong những tháng tới. Khi đường cong lợi suất đảo ngược, các NĐT tin rằng lãi suất ngắn hạn sẽ khiến nền kinh tế chững lại và do đó, lãi suất sẽ giảm trong dài hạn. Về lý thuyết, việc cắt giảm lãi suất có thể ổn định nền kinh tế và tránh một cuộc suy thoái.
Tuy nhiên theo các chuyên gia Standard Chartered, khả năng đó hiếm khi xảy ra trong thực tế. Các luận điểm được đưa ra là một mặt, việc đường cong lợi suất phẳng hơn trong chu kỳ tăng lãi suất là bình thường. Mặt khác, quan hệ dẫn chuyền giữa đường cong lợi suất đảo ngược và suy thoái có thể kéo dài (khoảng 10-23 tháng, trung bình 17 tháng), và một số tín hiệu không phải lúc nào cũng đúng. Bên cạnh đó, TTCK thường đạt đỉnh trong khoảng 6-9 tháng trước khi suy thoái và TTCK thường tiếp tục tăng trưởng tốt khi lợi suất trái phiếu tăng, và thực tế lợi suất ngắn hạn đang tăng nhanh hơn lợi suất dài hạn. Điều này phù hợp với quan điểm rằng cổ phiếu thường mang lại lợi nhuận tốt trong giai đoạn cuối của chu kỳ kinh tế.
Nhưng chẳng phải đang có rất nhiều rủi ro? Các NĐT lo lắng về nhiều yếu tố, trong đó bao gồm: Kỳ vọng tăng trưởng đã đạt đỉnh, CSTT thắt chặt, căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng… Tuy nhiên, những quan điểm trái ngược nhau giúp trạng thái đầu tư đa dạng hóa lành mạnh, điều này gợi ý chúng ta không nên quá lo lắng. Như tăng trưởng đang đạt đỉnh nhưng dự kiến sẽ duy trì ở mức cao; CSTT dù theo hướng thắt chặt hơn nhưng vẫn ở mức khá nới lỏng. Trong khi đó, căng thẳng thương mại ít khả năng leo thang đáng kể và rủi ro địa chính trị ở Bắc Triều Tiên và Syria dường như đã qua đỉnh điểm căng thẳng nhất.
Trong khi đó, định giá cổ phiếu đã giảm mạnh trong năm nay do giá thị trường sụt giảm và kỳ vọng thu nhập tăng mạnh, NĐT có thể lập luận hầu hết tin “xấu” đã phản ánh vào giá dù điều này không loại trừ rủi ro biến động trong ngắn hạn. “Chúng tôi cho rằng, triển vọng thị trường cổ phiếu toàn cầu trong 6-12 tháng tới vẫn tích cực, và chúng ta có thể kỳ vọng thị trường vượt qua tâm trạng lo lắng trong những tháng tới. Trong bối cảnh này, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị xu hướng đầu tư thiên về tăng trưởng. Tuy nhiên, đối với các NĐT ưu tiên lợi tức, lợi suất tăng gần đây có thể tạo cơ hội để đầu tư trái phiếu và/hoặc đa dạng hóa tài sản”, báo cáo này nhận định.
Theo Thời báo Ngân hàng
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
USD chợ đen |
26,375 -35 | 26,475 -35 |
Giá đô hôm nay |
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
Vàng SJC | 120,000 | 122,000 |
Vàng nhẫn | 120,000 | 122,030 |
Tỷ giá hôm nay |
||
---|---|---|
Ngoại Tệ | Mua vào | Bán Ra |
USD |
25,0840 | 25,4540 |
AUD |
16,2380 | 16,9280 |
CAD |
17,7270 | 18,4810 |
JPY |
1600 | 1700 |
EUR |
26,8480 | 28,3200 |
CHF |
28,5820 | 29,7970 |
GBP |
31,8310 | 33,1840 |
CNY |
3,4670 | 3,6140 |