Tuần 7-12/10: Vàng miếng dẫn đầu về biên độ tăng, vàng nhẫn suy yếu khi vàng TG tăng khiêm tốn 06:50 13/10/2024

Tuần 7-12/10: Vàng miếng dẫn đầu về biên độ tăng, vàng nhẫn suy yếu khi vàng TG tăng khiêm tốn

(tygiausd) – Tóm tắt

  • Thị trường vàng miếng bước sang tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
  • Vàng nhẫn giảm sau 4 tuần tăng liên tục trước đó.
  • Vàng thế giới chỉ tăng 0,15%, giá sau quy đổi tăng vọt do yếu tố tỷ giá.
  • Dự báo về mức giá 3000 USD của thế giới có thể đẩy vàng nhẫn vượt 95 triệu đồng.

Diễn biến giá vàng miếng SJC trong cả tuần

Kết thúc tuần trước, vàng miếng mua vào tại các doanh nghiệp lớn neo ở mức 82-82,3 triệu đồng/lượng, giá bán đồng nhất ở mức 84 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán có khoảng cách 1,7-2 triệu đồng.

Bước vào phiên đầu tuần 7/10, thị trường vàng miếng đồng loạt đi ngang ở cả hai chiều mua – bán. Sang phiên 8/10, vàng miếng bất ngờ tăng mạnh với mức điều chỉnh 700.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi lượng chiều mua và 1 triệu đồng/lượng chiều bán, đưa giao dịch mua – bán lên 83,00 – 85,00 triệu đồng/lượng – cao nhất kể từ ngày 2/6/2024, chênh lệch mua – bán cùng neo ở khoảng cách 2 triệu đồng tại các doanh nghiệp.

Sau nhịp tăng trong ngày 8/10, vàng miếng trở lại trạng thái đi ngang trong phiên 9/10 và bất ngờ quay đầu giảm 500.000 đồng/lượng cả hai đầu giá trong phiên 10/10 sau khi chứng kiến đà giảm nhiều phiên liên tục của giá vàng thế giới. 2 phiên cuối tuần 11 và 12/10, thị trường vàng miếng không ghi nhận thêm biến động nào mặc diễn biến hồi phục mạnh của giá vàng thế giới.

Tính trong cả tuần này, vàng miếng ghi nhận mức tăng từ 200-500.000 đồng/lượng chiều mua và 500.000 đồng/lượng chiều bán (0,6%), giao dịch mua – bán chốt tuần tại ngưỡng 82,50 – 84,50 triệu đồng/lượng.

Với mức giá 84,5 triệu đồng mỗi lượng, vàng miếng SJC hiện đắt hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 2,4 triệu đồng, giảm 100.000 đồng so với cuối tuần trước. Trong cả tuần, mức chênh giữa hai thị trường nhìn chung dao động trong khoảng trên 2 triệu đến 4 triệu đồng. Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn đang sát sao trong việc bình ổn giá vàng, tránh tình trạng giá vàng miếng trong nước tăng quá cao so với giá vàng thế giới.

Liên quan tới vấn đề quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết đang hoàn thành báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó, có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng.

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ngân hàng Nhà nước thông tin một số biện pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012. Trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.

NHNN cho biết đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24

Vàng nhẫn giảm sau 4 tuần tăng mạnh liên tiếp

Thị trường vàng nhẫn “đuối sức” trong tuần này khi giá vàng thế giới ghi nhận nhiều phiên đi xuống trước khi hồi phục vào 2 ngày cuối tuần.

Hai phiên tăng cuối tuần của vàng thế giới cũng đã tạo lực đẩy cho vàng nhẫn trong nước phần nào lấy lại những mất mát trước đó. Tuy nhiên, tính trong cả tuần, thị trường vàng nhẫn vẫn biến động với xu hướng giảm chủ đạo, phía tăng thì mức điều chỉnh tăng không quá 50.000 đồng mỗi lượng và chiếm thiểu số.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 12/10, vàng nhẫn mua vào tại các doanh nghiệp neo ở ngưỡng 81,6-82,55 triệu đồng/lượng, giá bán khoảng 83-83,55 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán khoảng 900.000 đồng đến 1,4 triệu đồng tùy đơn vị.

Tính trong cả tuần, vàng nhẫn mua vào ghi nhận nhịp giảm từ 50.000-500.000 đồng mỗi lượng, vàng nhẫn bán ra tăng nhẹ 50.000 đồng hoặc giảm khoảng 150.000-300.000 đồng/lượng. Đây là tuần giảm đầu tiên của thị trường vàng nhẫn sau 4 tuần tăng liên tiếp.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới thu hẹp đà tăng, thị trường vàng nhẫn trong nước đã quay đầu giảm trong khi đang cao điểm mùa cưới cũng như nhu cầu đầu tư vẫn rất sôi động, cho thấy thị trường vàng nhẫn trong nước vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi diễn biến của giá vàng thế giới.

Mức giá 83,55 triệu đồng của vàng nhẫn hiện cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 1,5 triệu đồng, giảm 600.000 đồng so với cuối tuần trước.

Vàng nhẫn bán ra đang thấp hơn vàng miếng SJC 950.000 đồng, tăng 550.000 đồng so với phiên cuối tuần qua.

Mặc dù diễn biến hiện tại đang kém tích cực, nhưng nhìn tổng thể, với mức giá mua trên 82,5 triệu đồng và giá bán trên 83,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn vẫn đang đứng trong vùng giá cao kỷ lục. Về dài hạn, vàng thế giới được dự báo đạt mốc 3000 USD (tương đương gần 93 triệu đồng/lượng với tỷ giá hiện tại), vàng nhẫn khi đó có thể bứt phá qua mốc 95 triệu đồng mỗi lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới tăng khoảng 0,15% trong tuần này và chốt tuần tại ngưỡng 2657 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.340 VND/USD) giá vàng đạt 82,08 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng 580.000 đồng so với cuối tuần trước.

Vàng thế giới tuần này tăng nhẹ nhưng giá sau quy đổi lại tăng mạnh do yếu tố tỷ giá. So với cuối tuần trước, tỷ giá USD tự do đã tăng 130 đồng, kéo theo giá vàng thế giới sau quy đổi leo cao.

Trong tuần này, giá vàng đã trải qua những biến động mạnh khi thị trường thay đổi kỳ vọng về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nửa đầu tuần, giá vàng chịu áp lực giảm sâu do giới đầu tư giảm kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay trong cuộc họp tháng 11. Điều này khiến dòng tiền rút ra khỏi vàng, một tài sản không sinh lãi, và đổ vào các kênh đầu tư khác.

Tuy nhiên, vào cuối tuần, khi thị trường tiếp tục kỳ vọng rằng Fed sẽ điều chỉnh lãi suất, dù với mức giảm nhỏ hơn, cũng sẽ hỗ trợ giá vàng. Nhờ sự hỗ trợ từ những dự đoán mới về việc Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ dần dần, kim loại quý đã tăng mạnh trở lại trong hai phiên cuối tuần.

Theo báo cáo ngày thứ Sáu tuàn này từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 9 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 1,9% ghi nhận trong tháng 8. Dữ liệu này cho thấy Fed có thể đạt được mục tiêu hạ cánh mềm – đưa lạm phát về mục tiêu 2% mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Sau báo cáo trên, dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 95,6% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tới và khả năng 4,4% Fed giữ nguyên lãi suất. Hôm thứ Năm, khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tới là hơn 83%.

Vàng là tài sản không mang lãi suất nên hưởng lợi khi các đặt cược dịch chuyển theo chiều hướng tăng đối với kịch bản lãi suất tiếp tục giảm. Ngoài ra, việc đồng USD quay đầu giảm trong phiên ngày thứ Sáu sau chuỗi phiên tăng liên tiếp cũng hỗ trợ giá vàng.

Chỉ số Dollar Index chốt phiên ở mức 102,92 điểm, từ mức 102,99 điểm của phiên trước – mức cao nhất trong 2 tháng. Cả tuần, chỉ số tăng 0,39%, nâng tổng mức tăng trong vòng 1 tháng trở lại đây lên 1,78% – theo dữ liệu từ trang MarketWatch.

“Số liệu PPI lần này là tin vui đối với các nhà đầu cơ giá lên trên thị trường kim loại quý và cho thấy Fed sẽ có thêm 2 lần giảm lãi suất nữa trong năm nay, với mức giảm của mỗi lần là 0,25 điểm phần trăm”, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang Kitco Metals nhận xét.

Ngoài câu chuyện lãi suất, chiến lược gia Daniel Pavilonis của công ty RJO Futures đánh giá, giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD trong năm 2025 do căng thẳng địa chính trị và những bấp bênh liên quan tới bầu cử tổng thống Mỹ.

tygiausd.org

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,240 -10 25,340 -10

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

24,6100 25,0000

  AUD

16,3190 17,0130

  CAD

17,5900 18,3380

  JPY

1610 1700

  EUR

26,4550 27,9060

  CHF

28,2390 29,4400

  GBP

31,5670 32,9100

  CNY

3,4210 3,5660