Cựu quan chức lo ngại Mỹ yếu hơn trong đối phó với khủng hoảng 09:59 20/07/2018

Cựu quan chức lo ngại Mỹ yếu hơn trong đối phó với khủng hoảng

Nếu xảy ra cuộc khủng khoảng tài chính mới, khả năng đối phó của Mỹ là yếu hơn.

Đây là quan điểm được các nhà cựu hoạch định chính sách Bernanke (cựu Chủ tịch Fed), Geithner (cựu Bộ trưởng Tài chính) và Paulson (Cựu Bộ trưởng Tài chính) đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại tỏ ra tự tin cho rằng, họ có đủ công cụ cần thiết để đối phó trong trường hợp nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Cả ba cựu quan chức trên – những nhân vật đóng vai trò nổi bật nhất trong đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm trước – với những góc nhìn khác nhau nhưng đều bày tỏ lo ngại này.

Dù đều đồng nhất quan điểm cho rằng hệ thống ngân hàng Mỹ đã mạnh hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng bộ tam này cũng nhận thấy “kho vũ khí” chống khủng hoảng của Mỹ đang xuất hiện những điểm yếu, vốn không tồn tại ở một thập kỷ trước.

“Chúng ta đã có những biện pháp phòng chống tốt hơn để đối phó trước những cú sốc nhất định có thể xảy ra với nền kinh tế và hệ thống tài chính, nhưng xét trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn thì dư địa đối phó đang ít hơn, trong khi có nhiều bó buộc hơn so với kỳ vọng”, ông Geithner nhận định.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng. Để đối phó lại, Mỹ đã tiến hành một cuộc cải cách lớn. Trong đó có việc thiết lập các quy định để củng cố sức khỏe của các ngân hàng lớn nhất, cũng như giúp họ dễ dàng đóng cửa hơn mà không cần phải được chính phủ giải cứu trong trường hợp lâm nạn.

Ông Randal Quarles – Phó chủ tịch Fed phụ trách về giám sát hồi tháng 4 vừa qua thừa nhận rằng, các công cụ có sẵn mà các nhà quản lý có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đến nay đã thay đổi. Tuy nhiên, tại một hội nghị ở Washington gần đây, ông cũng khẳng định: “Không quá bi quan về khả năng phản ứng của chúng tôi (Fed) trong tương lai”.

Chủ tịch Fed đương nhiệm Jerome Powell cũng bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của chính phủ để sẵn sàng cho đóng cửa một tổ chức tài chính thất bại trong một cuộc khủng hoảng mà không đi kèm với việc phải quẳng cả núi tiền vào giải cứu, tức là sẽ không có ngân hàng nào quá lớn để thất bại (Too big to fail).

Trong khi đó ông Geithner – hiện là Chủ tịch của Warburg Pincus LLC lại cho rằng, các giải pháp mạnh khẩn cấp – đã được chứng minh rất cần thiết trong thập kỷ trước – hiện nay đang “hơi yếu”. Cựu Bộ trưởng Tài chính Paulson đồng tình với quan điểm này khi chỉ ra cụ thể các hạn chế mà Quốc hội gặp phải khi muốn áp đặt lên Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) và Quỹ Ổn định của Bộ Tài chính.

Cựu Chủ tịch Fed Bernanke – hiện đang là một thành viên danh dự tại Viện Brookings ở Washington cho biết, mặc dù các nhà quản lý hiện nay có khả năng điều hòa tốt hơn trước các rủi ro hệ thống tiềm tàng, nhưng vẫn có một số mối quan ngại. Ông chỉ trích việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ mà Tổng thống Donald Trump và Quốc hội đưa ra là không đúng thời điểm – khi nền kinh tế đang ở trạng thái việc làm toàn dụng. Vị cựu Chủ tịch Fed cũng quan ngại về những hậu quả lâu dài từ việc nợ chính phủ gia tăng nhanh chóng.

“Nếu chúng ta không hành động, một cuộc khủng hoảng tài chính hay khủng hoảng kinh tế có khả năng xảy ra và nó sẽ từ từ bóp cổ chúng ta”, cựu Bộ trưởng Tài chính Paulson dự báo.

Còn theo ông Geithner, thâm hụt ngân sách và nợ tăng cũng có nghĩa là chính phủ Mỹ hiện tại sẽ có ít dư địa để can thiệp hơn so với cuộc khủng hoảng vừa qua, khi Tổng thống Obama đã có dư địa để đưa ra một gói kích cầu lớn. Nợ công của Mỹ hiện ở mức 77% GDP, gấp đôi so với năm 2007. Bên cạnh đó, Fed cũng có dư địa ít hơn để hành động vì lãi suất đang ở mức thấp hơn so với giai đoạn 2007. Hiện mục tiêu lãi suất chuẩn của Fed ở mức 1,75% đến 2%, trong khi nó ở mức 5,25% vào tháng 7/2007.

Nhưng theo ông Bernanke, dù vậy Fed vẫn còn ở vị thế tốt hơn trong khả năng đối phó với khủng hoảng so với nhiều nền kinh tế phát triển lớn khác. Đơn cử, NHTW châu Âu (ECB) hiện giữ lãi suất chuẩn ở mức 0%. Hơn nữa, vị này cũng cho rằng Mỹ đã đạt được “rất nhiều tiến bộ” để có thể xử lý các tổ chức tài chính lớn thất bại mà không phải giải cứu họ.

Ông Paulson về cơ bản đồng ý với nhận định này nhưng giữ quan điểm cho rằng, nếu khủng hoảng xảy ra thì vào giữa cuộc khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách vẫn có thể phải cung cấp hỗ trợ tạm thời để một định chế tài chính đang trên bờ sụp đổ có thể xử lý được nợ theo thời gian, dù điều này sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt chính trị.

“Sẽ thật là tốt khi có một quyền năng như vậy nhưng ai đó phải chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng và có thể phải sử dụng theo những cách gây tranh cãi”, ông Paulson nói. Khi được hỏi liệu các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia Mỹ có thể gạt bỏ những khác biệt của họ để giải quyết bất kỳ biến động nào trong tương lai nếu khủng hoảng xảy ra, Paulson trả lời đây là câu hỏi hay, nhưng câu trả lời là “không thể biết được”.

Theo Thời báo Ngân hàng

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,660 60 25,760 51

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,08424 25,4544

  AUD

16,23851 16,92853

  CAD

17,72720 18,48121

  JPY

1600 1700

  EUR

26,848110 28,320116

  CHF

28,582120 29,797125

  GBP

31,831-144 33,184-150

  CNY

3,4676 3,6146