Tuần 15-20/4: Chưa đấu thầu nhưng vàng trong nước đã giảm đáng kể chênh lệch với giá vàng thế giới 08:00 21/04/2024

Tuần 15-20/4: Chưa đấu thầu nhưng vàng trong nước đã giảm đáng kể chênh lệch với giá vàng thế giới

(giavangsjc) – Tóm tắt

  • Vàng thế giới tăng 5 tuần liên tiếp, giá sau quy đổi vượt 75 triệu đồng, tăng hơn 2 triệu đồng sau 1 tuần biến động.
  • Thị trường vàng trong nước đồng loạt tăng giá trong tuần này, chênh lệch với thế giới giảm mạnh.
  • “Rủ nhau” đi lên, nhưng mua vàng nhẫn và vàng miếng trong tuần này đều lỗ nặng.
  • Tiêu điểm thị trường đang tập trung vào cuộc đấu thầu vàng miếng đầu tuần tới.

Nội dung chi tiết

Thị trường vàng miếng tăng giá trong tuần này

Ngay trong phiên đầu tuần 15/4, vàng miếng SJC đã thiết lập mức giá cao chưa từng có 83,3 triệu đồng/lượng chiều mua và 85,5 triệu đồng/lượng chiều bán. Sau đà tăng phi mã lên cao kỷ lục, giá vàng nhanh chóng đảo chiều và chốt phiên đầu tuần với mức giá 82,1 triệu đồng chiều mua và 84,1 triệu đồng chiều bán.

Sau phiên đầu tuần dậy sóng, thị trường vàng miếng biến động khá giằng co kể từ phiên 16/4 đến hết tuần, với giá mua giao dịch không quá 82,4 triệu đồng, giá bán không quá 84,4 triệu đồng/lượng.

Chốt phiên cuối tuần 20/4, vàng miếng mua vào tại các đơn vị neo trong khoảng 81,65-82 triệu đồng/lượng, bán ra dao động từ 83,8-84 triệu đồng mỗi lượng. So với giá mở cửa tại phiên đầu tuần 15/4, giá mua tăng khoảng 200.000-700.000 đồng mỗi lượng, giá bán tăng 150.000-500.000 đồng/lượng.

Mặc dù tăng giá, nhưng với chênh lệch mua – bán từ 2-2,5 triệu đồng, mua vàng miếng trong tuần này nhà đầu tư sẽ lỗ khoảng 1,5-2 triệu đồng mỗi lượng.

Mức giá 84 triệu đồng hiện tại của vàng miếng cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 8,9 triệu đồng, giảm 1,3 triệu đồng so với mức 10,2 triệu đồng cuối tuần trước.

Vàng nhẫn tăng dưới 500.000 đồng trong cả tuần

Thị trường vàng nhẫn biến động chủ yếu với xu hướng tăng trong tuần này, có nơi giảm nhưng là thiểu số. Kết thúc phiên cuối tuần 20/4, giá mua vàng nhẫn tại các đơn vị neo trong khoảng 74,45-75,55 triệu đồng/lượng, giá bán khoảng 76,45-77,35 triệu đồng/lượng. So với giá mở cửa đầu tuần 15/4, chiều mua tăng 200.000-480.000 đồng/lượng và chiều bán tăng 100.000-400.000 đồng mỗi lượng.

Với chênh lệch mua – bán leo cao – khoảng 1,8-2,2 triệu đồng, mua vàng nhẫn trong tuần này cũng lỗ nặng khoảng 1,5-2,2 triệu đồng mỗi lượng.

Trong tuần này, mặc dù vàng miếng đã xuất hiện đỉnh mới 85,5 triệu đồng/lượng, vàng thế giới cũng đạt mức giá kỷ lục trên 2.400 USD mỗi ounce, thì mặt hàng vàng nhẫn cao nhất trong tuần này mới đạt 77,55 triệu đồng trong phiên 19/4, kém xa mức đỉnh 78,6 triệu đồng thiết lập hôm 10/4.

Chênh lệch giữa vàng nhẫn và giá vàng thế giới hiện ở mức 2,2 triệu đồng, giảm mạnh 1,5 triệu đồng so với cuối tuần trước.

Cùng thương hiệu SJC, vàng miếng đang cao hơn vàng nhẫn 7,3 triệu đồng, tăng 400.000 đồng so với mức 6,9 triệu đồng cuối tuần trước.

Tiêu điểm của thị trường vàng trong nước là cuộc đấu thầu vàng miếng vào thứ Hai (22/4), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu vàng SJC với mức giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước cũng quy định đây là đấu thầu theo giá. Mỗi thành viên đấu thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Điều này cũng đồng nghĩa, giá vàng SJC sẽ tiếp tục vượt trên mốc 82 triệu đồng/lượng, và khả năng còn cao hơn. Nguyên nhân, các đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu đã bán trước đó nguồn lực vàng SJC sẵn có của mình với giá dao động 84-85 triệu đồng/lượng.

Họ phải đấu thầu giá theo hướng cao dần để cân bằng trạng thái vàng của mình. Do đó, đợt đấu thầu vàng SJC lần này có thể có nhiều kịch tính với mức giá gây ngạc nhiên cho thị trường.

Theo các chuyên gia, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để giảm bớt mất cân đối cung-cầu, còn việc xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế phải cần tới biện pháp thương mại, đó là cho nhập khẩu vàng.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn.

Xoá bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức là sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.

Giá vàng thế giới

Kết tuần tại ngưỡng 2.392 USD/ounce, giá vàng thế giới sau quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.760 VND/USD) giao dịch tại 75,12 triệu đồng/lượng, tăng hơn 2 triệu đồng so với mức 72,93 triệu đồng cuối tuần trước.

Trong phiên cuối tuần 19/4, giá vàng có thời điểm tăng lên gần mức 2.420 USD sau khi có tin Israel tiến hành không kích trả đũa Iran. Nhưng sau đó, khi giới đầu tư nhận thấy đây là một cuộc tấn công có tính toán cẩn trọng để tránh leo thang căng thẳng, giá vàng đã thu hẹp mức tăng và chốt tuần dưới 2.340 USD – tăng gần 1% trong cả tuần – đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp.

Động lực cho xu hướng tăng giá của vàng là nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro địa chính trị và việc các ngân hàng trung ương duy trì mua ròng kim loại quý này cho dự trữ quốc gia.

Việc Israel tấn công lãnh sự quán Iran ở Syria hồi đầu tháng này đã kéo theo một cuộc tấn công đáp trả của Iran nhằm vào Israel, và tiếp đó là một cuộc tấn công nữa của Israel đối với Iran vào ngày 19/4. Những cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” làm dấy lên mối lo về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở Trung Đông. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công ngày 19/4, Tehran chưa đưa ra tín hiệu nào cho thấy sẽ trả đũa.

Theo ông James Stavridis, cựu chỉ huy tối cao lực lượng đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuộc tấn công của Israel ngày 19/4 là “rất hạn chế và được tính toán cẩn trọng”. “Cả Israel và Iran đều không đề cao tầm quan trọng của sự kiện này, một dấu hiệu cho thấy sự xuống thang”, ông Stavridis nói với hãng tin CNBC.

“Tình trạng leo thang rồi xuống thang căng thẳng ở Trung Đông đang chi phối thị trường vàng. Nếu căng thẳng thực sự xuống thang, giá vàng sẽ phải giảm hoặc chuyển sang trạng thái tích luỹ vì nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro sẽ giảm sút”, Giám đốc giao dịch David Meger của công ty High Ridge Futures nhận định với hãng tin Reuters.

Nhưng nhìn trong dài hạn hơn, xu hướng tăng của giá vàng sẽ tiếp tục vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rồi sẽ giảm lãi suất, dù có muộn hơn so với dự kiến”, ông Meger nói.

Giá vàng đang cho thấy khó bứt phá qua ngưỡng 2.400 USD do đương đầu với sức ép giảm từ khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Giới chức Fed gần đây tiếp tục phát tín hiệu cho thấy họ sẽ không vội giảm lãi suất vì lạm phát còn đang cao. Thị trường đang đặt cược khả năng 67% Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9. Thậm chí, đã có những ý kiến cho rằng Fed sẽ không giảm lãi suất trong năm nay.

tygiausd.org

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,655 -45 25,755 -45

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,0840 25,4540

  AUD

16,2380 16,9280

  CAD

17,7270 18,4810

  JPY

1600 1700

  EUR

26,8480 28,3200

  CHF

28,5820 29,7970

  GBP

31,8310 33,1840

  CNY

3,4670 3,6140