Lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng của các ngân hàng (NH) tiếp tục tăng lên từ 0,2 - 0,6%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Cuối tuần qua, VPBank tăng lãi suất tiền đồng lên mức cao nhất là 8,9%/năm ở kỳ hạn 24 tháng trở lên với số tiền trên 10 tỉ đồng. Riêng tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings, mức lãi suất cao nhất xuất hiện ở 10,26%/năm kỳ hạn 36 tháng, lãi suất này áp dụng cho tháng gửi đầu, những tháng sau lãi suất còn 8,55%/năm. Không những vậy, VPBank còn áp dụng chính sách lãi suất tăng dần từ 0,2 - 1%/năm theo số tiền khi khách hàng gửi tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên.
Là NH có mức lãi suất huy động ở mức thấp trong nhiều năm qua nhưng đến thời điểm hiện tại, NH Techcombank cũng tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất. Cụ thể, sau khi đẩy lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch trần cho phép 6%/năm, lãi suất huy động còn lại của Techcombank cũng ở mức cao. Lãi suất không kỳ hạn tăng từ 0,03% lên 1%/năm. Ở kỳ hạn 6 đến 11 tháng, nhà băng này đẩy lãi lên 8,4%/năm, từ 12 tháng trở lên áp dụng với mức lãi suất 8,7%/năm.
Trong cuộc đua huy động vốn, từ mức lãi suất 6 tháng trở lên có sự tranh đua khốc liệt giữa các NH. Cụ thể, Kienlongbank là 8,8%/năm, SCB là 8,7%/năm, NCB ở mức 8,5%/năm… Trước đó, thị trường xuất hiện 2 mức lãi suất khủng là 10,5%/năm và 11%/năm cho 3 tháng gửi đầu nhưng đến nay, 2 mức này đỉnh này đều đã “bay màu”. Mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay là 9,3%/năm thuộc về SCB.
Ngoài ra, đường cong huy động vốn của một số nhà băng bị đảo ngược, kỳ hạn ngắn huy động lãi cao hơn kỳ hạn dài. Chẳng hạn, Kienlongbank kỳ hạn 9 đến 15 tháng có lãi 8,9%/năm, từ 18 tháng trở lên lãi là 8,8%/năm… Đặc biệt, có hiện tượng một số NH “len lén” cộng thêm lãi suất cho khách hàng đặc biệt, đưa lãi huy động lên 9 - 9,2%/năm.
Đáng nói, thị trường lãi suất vẫn nóng bất chấp những ngày đầu tháng 11, NH Nhà nước (NHNN) liên tục bơm tiền ra. Ngày 9.11, NHNN bơm ra thị trường hơn 4.802 tỉ đồng. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp, NHNN bơm tiền ra thị trường tổng cộng hơn 65.045 tỉ đồng. Trong khi có 1 phiên duy nhất vào đầu tháng hút về gần 10.000 tỉ đồng. Như vậy, từ đầu tháng 11 đến nay, NHNN đã bơm ròng 55.243 tỉ đồng. Nhà điều hành bơm ra lãi suất liên tục đã khiến lãi suất trên thị trường liên NH dịu đi so với đầu tháng.
Ngày 9.11, lãi suất giao dịch giữa các NH giảm từ 0,01 - 0,46%/năm. Theo đó, lãi suất qua đêm xuống còn 5,07%/năm, 1 tuần còn 6,47%/năm, 2 tuần còn 7,1%/năm, 1 tháng còn 7,74%/năm (đầu tháng 11 lên 11,25%/năm), 3 tháng còn 8,07%/năm, 6 tháng còn 8,17%/năm, 9 tháng xuống 8,32%/năm, 12 tháng xuống 8,44%/năm. Tuy nhiên, lãi suất trên thị trường dân cư như nói trên vẫn khá bỏng tay.
Theo Công ty CP chứng khoán SSI, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành 1%, việc các NH thương mại đồng loạt tăng lãi suất không gây bất ngờ cho thị trường. Thế nhưng, diễn biến lãi suất lại khá phức tạp. Các NH đã điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,3 - 1%/năm tùy từng kỳ hạn. Riêng lãi suất dưới 6 tháng, hầu hết được đẩy lên mức trần 6%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động của nhiều NH đã về lại vùng trước Covid-19, thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 3 - 4% so với cuối năm 2021.
Cũng theo SSI, dữ liệu từ NHNN cho thấy tính đến ngày 20.10, tín dụng tăng 11,38% so với cuối năm 2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 3,09% và huy động vốn tăng 4,8%. Như vậy, chênh lệch huy động - tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 và phần nào có sự cải thiện nhẹ, sau khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh trong 2 tháng qua.
Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10, NHNN cũng cho biết diễn biến huy động vốn và tín dụng trong năm 2022 đã đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống NH, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống.
Do vậy, việc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9 và 10 là phù hợp nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Trước việc các NH đua tăng lãi suất và có hiện tượng thương lượng huy động vốn bên ngoài, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho hay NHNN đã lưu ý các NH tuân thủ nghiêm quy định về lãi suất, tỷ giá. Các tổ chức tín dụng cần công khai minh bạch các mức lãi suất áp dụng, cũng như niêm yết tỷ giá mua bán ngoại tệ góp phần đảm bảo không gây ảnh hưởng đến lãi suất bình quân chung trên thị trường. Các NH khai thác và sử dụng vốn hợp lý và hiệu quả. Đảm bảo cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn phù hợp giữa ngắn hạn và trung dài hạn; giữa VND và ngoại tệ; giữa cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, chứng khoán và bất động sản; đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động NH, nhất là các tỷ lệ về an toàn vốn tối thiểu; sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và cơ cấu hợp lý tài sản có sinh lời, để tăng trưởng ổn định, an toàn và hiệu quả. Điều này tác động tích cực đến lãi suất, bởi lẽ cung cầu vốn được đảm bảo, sẽ không áp lực khiến các nhà băng phải chạy đua lãi suất để thu hút vốn, gây xáo trộn thị trường không cần thiết.
Việc thu hút khách hàng tiền gửi bằng lãi suất, không chỉ không ổn định và tác động không tích cực đối với chính tổ chức tín dụng do chi phí cao và rủi ro thị trường mà còn gây ảnh hưởng chung đến thị trường tiền tệ do hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo sự xáo trộn không cần thiết và tâm lý không tốt trên thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lệnh (Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM)
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
USD chợ đen |
25,550 -70 | 25,650 -70 |
Giá đô hôm nay |
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
Vàng SJC | 82,500 | 84,500 |
Vàng nhẫn | 81,500 | 82,800 |
Tỷ giá hôm nay |
||
---|---|---|
Ngoại Tệ | Mua vào | Bán Ra |
USD |
25,0840 | 25,4540 |
AUD |
16,2380 | 16,9280 |
CAD |
17,7270 | 18,4810 |
JPY |
1600 | 1700 |
EUR |
26,8480 | 28,3200 |
CHF |
28,5820 | 29,7970 |
GBP |
31,8310 | 33,1840 |
CNY |
3,4670 | 3,6140 |