Rủi ro lướt sóng giá vàng 08:27 25/05/2021

Rủi ro lướt sóng giá vàng

Giá vàng đang tăng mạnh trên thị trường thế giới, nhưng hoạt động lướt sóng giá vàng tiềm ẩn rủi ro lớn với nhà đầu tư trong nước.

(Ảnh minh họa)
Nhiều yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá vàng thế giới

Giá vàng trên thị trường thế giới đã có chuỗi tăng mạnh những ngày qua và vượt mốc 1.850 USD/ounce. Giá vàng niêm yết trên sàn Kitco mở cửa ngày 21/5/2021 ở mức 1.871 USD/ounce.

Vàng vẫn luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn của nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế biến động. Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới, vừa công bố chỉ số lạm phát tăng sốc trong tháng 4/2021, với 4,2% và giá hàng loạt nguyên liệu cơ bản đã tăng chóng mặt trong thời gian qua, đe dọa lạm phát toàn cầu.

Đi cùng với dữ liệu kinh tế kém tích cực của Mỹ, đồng bạc xanh đã giảm giá so với tất cả các đồng tiền chính trên thế giới vào ngày 19/5/2021. Chỉ số đồng USD duy trì ở gần mức đáy của nhiều tháng trở lại đây khi giới giao dịch đang chờ đợi biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, ngoài lạm phát sẽ là trọng tâm chính trong thời gian này, USD giảm giá và tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia khiến nhà đầu tư tìm đến “hầm trú ẩn an toàn”.

Lực mua xuất hiện đã tác động tích cực lên giá mặt hàng kim loại quý. Lượng vàng dự trữ tại quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã tăng 0,7% lên 1.035,93 tấn vào ngày 17/5, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2021.

Giá mua vào thấp hơn nhiều so với bán ra thì việc lướt sóng giá vàng của một số nhà đầu tư có thể không được lời như mong đợi

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol

Một diễn biến khác đáng chú ý trên thị trường tài sản toàn cầu là giá Bitcoin tiếp tục lao dốc và lần đầu tiên trong nhiều tháng xuống sát ngưỡng 30.000 USD trong tối 19/5 sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch, đồng thời cảnh báo giới đầu tư về hoạt động đầu cơ loại tiền này. Giới phân tích tài chính dự đoán rằng, chính sự biến động gần đây của thị trường tiền ảo đang khiến nhà đầu tư quay lưng với Bitcoin và quay trở lại với vàng.

Các chuyên gia phân tích tiền tệ của Eximbank cũng cho rằng, những dấu hiệu lạm phát tăng nhanh trên phạm vi toàn cầu đã khiến dòng tiền đổ mạnh vào mặt hàng kim loại quý vàng. Tâm lý lo ngại lạm phát Mỹ leo thang đã khiến giới đầu tư tài chính một số nước bán mạnh cổ phiếu và chuyển hướng rót tiền vào vàng.

Thêm vào đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tuần qua, làm giảm chi phí cơ hội đối với việc sở hữu tài sản không sinh lời khi đầu tư vào trái phiếu như vàng. Mặt hàng kim loại quý đang nhận được sự thúc đẩy từ triển vọng dữ liệu kinh tế Mỹ đi xuống và được giới phân tích trong lĩnh vực này dự báo, mức giá 1.900 USD/ounce trong tầm tay của kim loại quý này.

Theo nhiều chuyên gia, có thể giá vàng đang trong thời kỳ đầu của chu kỳ phục hồi. Vàng kỳ vọng tăng trở lại 2.000 USD/ounce, nếu duy trì ổn định trên 1.850 USD/ounce.

Nhiều dự báo đưa ra, trước mắt, giá vàng khó lấy lại mức đỉnh 2.087 USD/ounce như hồi tháng 8/2020, song trong trung hạn, cơ hội tăng của giá vàng còn rất lớn. Nhận định được đưa ra từ ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia về vàng, giá vàng sẽ sớm lập lại vùng giá 2.000 USD/ounce trong năm 2021.

Lướt sóng vàng vẫn rủi ro

Trong bối cảnh giá vàng quốc tế gần chạm 1.900 USD/ounce và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trước những bất ổn về kinh tế và diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên toàn cầu, câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là: có nên tham gia mua vàng lướt sóng?

Tuy nhiên, theo quan sát của giới phân tích, đối với thị trường vàng trong nước, các giao dịch vàng trong thời gian gần đây khá trầm lắng và lực bán của khách hàng nhiều hơn mua.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TP. HCM đưa ra cho thấy, doanh số mua vào vàng miếng trên địa bàn thành phố trong tháng 3/2021 của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng trên địa bàn nhiều hơn bán ra.

Cụ thể, trong tháng 3/2021, doanh số mua vàng miếng là 138.394 lượng vàng, tương đương giá trị là 7.665 tỷ đồng, tăng 93,1% so với tháng trước. Ở chiều ngược lại, doanh số bán ra là 124.569 lượng vàng, tương đương giá trị 6.908 tỷ đồng, tăng 79% so với tháng 2/2021.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, doanh số mua vàng miếng đạt 281.710 lượng vàng, tương đương giá trị là 15.792 tỷ đồng; còn doanh số bán là 258.013 lượng vàng, tương đương giá trị là 15.087 tỷ đồng.

Việc người dân mua vào ít hơn bán ra vàng, theo lý giải của ông Trần Thanh Hải, chủ yếu là do giá vàng trong nước luôn cao hơn so với giá quốc tế nên rủi ro cao. Trong 4 tháng đầu năm 2021, có nhiều thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 7 – 9 triệu đồng/lượng.

Trong phiên giao dịch ngày 21/5, giá vàng thế giới ở mức 1.871 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 52,2 triệu đồng/lượng, vẫn thấp hơn giá vàng SJC khoảng trên 4 triệu đồng/lượng.

“Mặc dù giá vàng trong nước luôn biến động theo giá quốc tế, song ở biên độ hẹp hơn và thường giá trong nước không theo kịp thế giới. Do thị trường vàng trong nước không được liên thông với giá thế giới khi bị cấm nhập khẩu và xuất khẩu vàng”, ông Hải nói thêm.

Thực tế, so với thời điểm 4/5/2021, giá vàng trên thế giới cuối tuần qua đã tăng khoảng 100 USD/ounce. Cùng khoảng thời gian trên, giá vàng do Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết chỉ tăng 600.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.

Điều này khiến người mua vàng ở thị trường nội địa ít được hưởng lợi khi giá vàng thế giới tăng mạnh, nên kém mặn mà với kênh đầu tư này.

TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc) cũng đưa ra đánh giá, với trạng thái giá vàng trong nước và quốc tế thường chênh lệch rất lớn, giá mua vào cũng thấp hơn nhiều so với bán ra thì việc lướt sóng giá vàng của một số nhà đầu tư có thể không được lời như mong đợi.

Trên thực tế, trong thời điểm vàng thế giới lập đỉnh 2.087 USD/ounce vào tháng 8/2020, các nhà kinh doanh vàng trong nước đã giãn rộng biên độ giá mua vào – bán ra đến 4,7 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng trong nước chịu thiệt.

Trước thực trạng giá vàng trong nước không liên thông với giá vàng thế giới, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) mới đây đã kiến nghị cơ quan chức năng cho nhập khẩu vàng nguyên liệu, cho phép lưu hành thêm các loại vàng miếng khác ngoài thương hiệu SJC (độc quyền); sớm trình Chính phủ dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 24/2012.

Theo VGTA, ở thời điểm 2012, thị trường vàng có nhiều bất ổn, tình trạng các cơn sốt vàng thường xuyên xảy ra nên Nghị định 24 được ban hành vào thời điểm đó là phù hợp và đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm, trong bối cảnh hệ thống luật pháp đã thay đổi, nhiều quy định tại Nghị định 24 hiện đã không còn phù hợp. Đặc biệt, nhiều điểm trong Nghị định 24 cần phải được thay thế cho phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như những thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã tham gia trong những năm gần đây.

Theo Vietnamfinance

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,530 -90 25,630 -90

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,0840 25,4540

  AUD

16,2380 16,9280

  CAD

17,7270 18,4810

  JPY

1600 1700

  EUR

26,8480 28,3200

  CHF

28,5820 29,7970

  GBP

31,8310 33,1840

  CNY

3,4670 3,6140