Tại Diễn đàn về thị trường Vốn – Tài chính ngày 21/8, ông Alatabani Alwaleed Fareed Alatabani, Chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đưa thông tin rằng, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong người dân mà chưa huy động hết.
Từ đó, vị chuyên gia này đặt vấn đề: Khi đầu tư dài hạn, cần nghĩ xem làm cách nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời, tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu, chứng khoán của Việt Nam phát triển.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, tại Diễn đàn, ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn Ngân hàng Thế giới đưa quan điểm: Các nguồn tích lũy tiết kiệm cần được đầu tư vào đâu là câu hỏi cần được quan tâm. Khi chúng ta huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng hiệu quả, đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của người dân.
Trong khi đó, theo các diễn giả tại Diễn đàn về thị trường Vốn – Tài chính thì nền kinh tế Việt Nam đang rất “khát vốn” để phục vụ các mục tiêu đầu tư, phát triển. Vì thiếu vốn nên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không cao khi có tới 53% doanh nghiệp hoạt động không có lợi nhuận (số liệu đến cuối 2016). Thậm chí, có những doanh nghiệp hoạt động mà có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen.
Trước những thông tin trên, câu chuyện làm sao huy động được các nguồn lực trong nền kinh tế để phục vụ các mục đích đầu tư phát triển, hình thành các kênh huy động vốn chính thức, hợp pháp đã được đặt ra. Và khi con số 60 tỷ USD “nằm chết” trong dân được đưa ra thì một trong những bài toán mà nền kinh tế đã đặt ra nhiều năm nay đã được nhắc đến, đó là bài toán huy động vàng trong dân với con số ước tính vào khoảng 500 tấn, giá trị khoảng 20 tỷ USD.
Đây không phải là vấn đề mới nhưng lại luôn là đề tài “nóng” thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, giới chuyên gia cũng như các cơ quan quản lý từ nhiều năm nay, tuy nhiên vẫn chưa có lời giải. Vấn đề càng cấp bách hơn khi nhu cầu vốn cho các mục tiêu đầu tư phát triển của nền kinh tế ngày càng lớn, trong khi vốn vay nước ngoài đã gần chạm ngưỡng cho phép.
Khi ngoại lực đã tiệm cận giới hạn cho phép thì việc huy động được nội lực, con số lên tới 60 tỷ USD tích lũy trong dân, trong đó có “hũ vàng” 500 tấn của dân, sẽ vô cùng có ý nghĩa.
500 tấn vàng với giá trị ước tính lên tới hàng chục tỉ USD là con số mà nhiều nhà hoạch định chính sách “mơ” có thể huy động được từ “hũ vàng” của người dân. Nhưng như đã đề cập ở trên, để “hũ vàng” 500 tấn này “chảy” vào nền kinh tế lại là điều không đơn giản.
Trước hết đó là vấn đề tâm lý. Tâm lý của người dân Việt Nam từ bao đời nay vẫn coi vàng là thứ tài sản đảm bảo, là vật hộ thân, là lá bùa hộ mệnh cho cuộc sống gia đình và tương lai con cái. Vàng còn đóng vai trò là vật trao đổi trung gian có thể quy đổi ra mọi loại tài sản cần thiết trong cuộc sống. Sự an toàn của vàng cũng như sự “trốn tránh” lạm phát, trượt giá đồng tiền cũng được xem là những đặc tính ưu việt đặc thu khi vàng được xem là lựa chọn hàng đầu cho nhu cầu tích cóp của người dân.
Thứ nữa đó là cách thức huy động. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia và thông qua Sở này, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước… Nhưng ở đây, vấn đề quyền lợi, lợi ích của người dân lại vẫn chưa được tính đến. Và chắc chắn rằng, nếu không có chính sách huy động hợp lý, để người dân thấy được cái lợi, quyền lợi được đảm bảo thì sẽ khó có chuyện người dân lấy vàng từ “hũ” để đưa vào nền kinh tế.
Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu trong một cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này cũng thẳng thắn cho rằng “chủ trương thì đúng nhưng việc thực hiện không phải là dễ”. Chủ trương đúng bởi vì số vàng trong dân hiện nay rất nhiều. Nếu không sử dụng vàng này để cho phục vụ phát triển kinh tế là một điều lãng phí và tiềm ẩn nhiều nguy cơ vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm cách nào lấy được số vàng này ra là cả một quá trình và không dễ thực hiện.
Theo vị chuyện gia này thì cơ quan duy nhất có thể huy động được là Ngân hàng Nhà nước. Nếu chứng chỉ vàng được phát hành ở Ngân hàng Nhà nước thì chắc chắn niềm tin sẽ cao hơn bởi rủi ro vỡ nợ, mất thanh khoản sẽ bằng 0. Chỉ có những đất nước bạo động thì mới không thể thu hút được cách làm này. Vấn đề ở đây là làm sao truyền tải để người dân hiểu được lợi ích cầm “vàng giấy” có tiền, có lãi suất thay vì cầm vàng thật, không có lãi.
Nói vậy để thấy rằng, để huy động vàng trong dân thành công, để “hũ vàng” 500 tấn với giá trị hàng chục tỉ USD chảy vào nền kinh tế, các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định phải giải quyết được 2 vấn đề. Đó là vấn đề tâm lý và quyền lợi, lợi ích của người găm giữ vàng!
Theo Petrotimes
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
USD chợ đen |
25,600 -20 | 25,709 -11 |
Giá đô hôm nay |
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
Vàng SJC | 82,500 | 84,500 |
Vàng nhẫn | 81,500 | 82,800 |
Tỷ giá hôm nay |
||
---|---|---|
Ngoại Tệ | Mua vào | Bán Ra |
USD |
25,08424 | 25,4544 |
AUD |
16,23851 | 16,92853 |
CAD |
17,72720 | 18,48121 |
JPY |
1600 | 1700 |
EUR |
26,848110 | 28,320116 |
CHF |
28,582120 | 29,797125 |
GBP |
31,831-144 | 33,184-150 |
CNY |
3,4676 | 3,6146 |