Vì sao lãi suất tiết kiệm tại quầy cao hơn online 06:29 03/12/2022

Vì sao lãi suất tiết kiệm tại quầy cao hơn online

Cuộc đua lãi suất huy động vốn của các ngân hàng ngày càng căng thẳng dẫn đến tình trạng lãi suất giao dịch tại quầy cao hơn online, chuyện chưa từng có từ nhiều năm nay.

Tại một phòng giao dịch Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) trên địa bàn TP.HCM, nhân viên tư vấn cho chúng tôi hay lãi suất huy động tiết kiệm tại quầy vừa tăng từ 0,2 - 1,4%/năm so với online. Theo bảng lãi suất tại quầy, những khách hàng Priority sẽ có mức lãi suất cao hơn thông thường tùy theo số tiền tiết kiệm gửi. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng gửi dưới 500 triệu đồng có mức lãi suất 6,8%/năm, từ 500 triệu đến dưới 2 tỉ đồng lên 7%/năm, từ 2 - 5 tỉ đồng lên 8%/năm và từ 5 tỉ đồng lên 8,2%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, với các mức gửi tương ứng có lãi suất từ 7,7 - 8,7%/năm… Trong khi đó, lãi suất gửi tiết kiệm online dao động từ 6,8 - 7,7%/năm, không phân biệt khách hàng cũng như số tiền gửi.

Lãi suất gửi tiết kiệm tại NH TMCP Việt Á (VietABank) ở quầy cao hơn gửi tiết kiệm thông thường cũng như online khoảng 2%/năm. Theo tư vấn của nhân viên VietABank, khách hàng gửi tiết kiệm chương trình “Đón lộc vàng” sẽ có mức lãi suất 6 tháng lên 10,8%/năm trong khi online là 8,6%/năm, còn lãi suất tại quầy truyền thống cao nhất 7,9%/năm. 12 tháng lên 11,2%/năm, online là 8,95%/năm, tiết kiệm truyền thống 8,3%/năm… Khách hàng gửi tiết kiệm chương trình này không được rút trước hạn.

Đáng nói, mặt bằng lãi suất tiết kiệm công bố công khai của các NH tiếp tục cộng thêm từ 0,3 - 1,1%/năm so với trước. NH TMCP Bản Việt điều chỉnh lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn tăng từ 0,8 - 1,1%. Đây là lần điều chỉnh thứ ba kể từ ngày 23.9 đến nay của nhà băng này. Cụ thể, Bản Việt tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 12 tháng từ mức 7,6 - 8,2%/năm lên 8,4 - 9,2%/năm; kỳ hạn từ 18 tháng trở lên tăng lên 9,4%/năm. Đặc biệt, tiền gửi qua kênh trực tuyến có lãi suất 8,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 9,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 9,5%/năm với kỳ hạn 24 tháng. NH TMCP Kỹ thương (Techcombank) tăng lãi suất lên mức cao nhất 9,3%/năm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; 6 tháng trở lên ở mức 9%/năm. Đây là lần thứ 6 trong tháng 11 Techcombank tăng lãi suất tiết kiệm. NH TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank) cũng vừa tăng lên mức cao nhất là 9,5%/năm ở hình thức online, còn tại quầy cao nhất là 9,3%/năm…

Một điểm lạ trên thị trường là trong khi các nhà băng liên tục thay đổi lãi suất sau cao hơn trước thì mức lãi suất tiết kiệm 11%/năm của một số NH công bố công khai trên website trước đó đến nay đã “bay màu”. NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) hiện đã điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings, không chia lãi suất huy động tháng đầu tiên và những tháng sau như trước. Nhà băng này bỏ lãi suất huy động 11%/năm trong tháng đầu tiên và lãi suất quay về 1 mức. Cụ thể, lãi suất cao nhất của sản phẩm này còn 9,25%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, 12 tháng còn 9,05%/năm, 6 tháng ở mức 8,52%/năm…

Có tình trạng thương lượng lãi suất

Lãi suất tại quầy cao hơn online là điều khá hiếm từ nhiều năm trở lại đây. Thông thường các NH sẽ tăng lãi suất online từ 0,1 - 0,5%/năm so với ở quầy vì không tốn một số chi phí thủ tục, kiểm đếm. Thế nhưng trong bối cảnh các NH đang hút mạnh vốn, thị trường xuất hiện tình trạng ngược lại, những khách hàng giao dịch gửi tiền ở quầy NH có khi nhận được mức lãi tiền gửi cao hơn.

Theo các chuyên gia, sự ngược đời này vì tình trạng “thương lượng” lãi suất ở các quầy giao dịch vẫn diễn ra khiến môi trường cạnh tranh huy động vốn khá không rõ ràng, minh bạch. Đó cũng là một trong những lý do khiến lãi suất tiết kiệm vẫn không ngừng tăng lên dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục bơm tiền. Trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 12, NHNN đã bơm ra thị trường gần 11.000 tỉ đồng, cũng là ngày thứ 4 liên tiếp trong tuần bơm tiền của NHNN.

Như vậy, kết thúc tháng 11, nhà điều hành đã bơm ra thị trường 166.883 tỉ đồng trong khi chỉ hút về 50.000 tỉ đồng, lượng tiền bơm ròng lên 116.883 tỉ đồng. Nhưng như nói trên, một số NH vẫn tăng cường huy động vốn trong khu vực dân cư, ngược lại, lãi suất trên thị trường liên NH lại khá ổn định. Ngày 1.12, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần ở khoảng 5 - 7%/năm, từ 1 tháng trở lên ở mức 7,7 - 8,63%/năm.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng tình trạng các NH không công bố lãi suất công khai, lãi suất huy động tiết kiệm ở quầy cao hơn… cho thấy sự cạnh tranh huy động vốn không lành mạnh trong hệ thống. Ngay cả người gửi tiền cũng không biết được lãi suất mình đang gửi đã là tốt nhất hay chưa. Còn đối với NHNN, sẽ khó quản lý, điều hành thị trường khi xảy ra tình trạng lãi suất tiết kiệm cạnh tranh như vậy.

Trước nghịch cảnh lãi suất liên NH ổn định nhưng lãi tiết kiệm liên tục chạy đua tăng cao trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng mất thanh khoản vẫn là nguyên nhân sâu xa giải thích cho cuộc đua lãi suất tiết kiệm giữa các nhà băng. Trên thị trường mở, NHNN bơm tiền ra cho các NH chỉ giải quyết được vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn. Còn việc huy động vốn trung dài hạn, các NH phải tìm nguồn từ khu vực dân cư. Đây cũng là một trong những lý do vì sao lãi suất của kỳ hạn 6 tháng tăng cao hơn bên cạnh lý do các kỳ hạn dưới 6 tháng bị áp trần lãi suất 6%/năm. Để giải bài toán chạy đua lãi suất huy động, NHNN cần bơm vốn trung dài hạn qua trái phiếu, tín phiếu như Mỹ đã làm.

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,640 -10 25,740 -10

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,0840 25,4540

  AUD

16,2380 16,9280

  CAD

17,7270 18,4810

  JPY

1600 1700

  EUR

26,8480 28,3200

  CHF

28,5820 29,7970

  GBP

31,8310 33,1840

  CNY

3,4670 3,6140