Fed liệu còn “kiên nhẫn” với chính sách hiện có? 14:52 17/05/2021

Fed liệu còn “kiên nhẫn” với chính sách hiện có?

Mặc dù các quan chức Fed đã nhiều lần khẳng định CSTT nới lỏng vẫn phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao hơn dự kiến trong tháng 4 vừa qua khiến các NĐT đang “cảnh giác cao độ” về khả năng áp lực lạm phát có thể buộc Fed phải sớm tăng lãi suất.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ hôm 12/5, CPI tháng 4 tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 12 năm (kể từ tháng 9/2008) với mức tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước – cao hơn mức dự đoán chỉ 3,6% theo khảo sát của Dow Jones. Nền kinh tế phục hồi nhanh, giá năng lượng tăng cao và mức lạm phát rất thấp thời điểm cùng kỳ năm 2020 (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến Mỹ phải đóng cửa nền kinh tế trên diện rộng) là những nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng này.

Tuy nhiên, nếu so sánh theo tháng, CPI tháng 4 chỉ tăng 0,8% so với tháng trước (vẫn cao hơn nhiều so với mức dự báo chỉ 0,2%). Trong khi đó, CPI lõi (loại trừ mặt hàng thực phẩm và năng lượng) tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã đồng loạt đỏ lửa sau thông tin về CPI tháng 4, kết thúc phiên 12/5 với các mức giảm mạnh quanh 2%.

Ảnh minh họa

Một số chuyên gia cho rằng, tính “nhất thời” của CPI tăng hiện nay dường như đang trở thành xu hướng kéo dài. “Lập luận là liệu lạm phát tăng hiện nay chỉ là nhất thời hay sẽ duy trì kéo dài. Thời gian sẽ trả lời nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ ở trạng thái “duy trì kéo dài” cho đến khi chúng ta thấy chi phí lao động và chi phí hàng hóa giảm đi phần nào. Và điều này rõ ràng mang lại suy nghĩ rằng có thể Fed sẽ phải thay đổi chính sách nới lỏng hiện nay sớm hơn dự kiến”, Peter Tuz, Chủ tịch của Chase Investment Counsel nhận định.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế cấp cao Michael Pearce tại Capital Economics cho rằng: “Do các yếu tố nhạy cảm theo chu kỳ của CPI vẫn đang tăng nên chúng tôi cho rằng báo cáo này sẽ thay đổi quan điểm của các quan chức Fed rằng áp lực lạm phát “phần lớn chỉ là tạm thời”. Rất đơn giản vì đang có nhiều điều “tạm thời” hơn những gì Fed mong đợi”, ông Michael Pearce nói.

Tuy nhiên theo một số nhà phân tích khác, CPI tháng 4 dù cao hơn dự kiến nhưng vẫn chưa đủ để thúc đẩy Fed thay đổi lộ trình chính sách hiện nay. “Nóng hơn dự kiến nhưng không phải đã quá nóng. Nên Fed sẽ không thay đổi bất kỳ chính sách nào khi chỉ dựa trên một báo cáo đơn lẻ như vậy”, Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng về kinh tế Mỹ tại Oxford Economic, nhận định.

Cùng góc nhìn này, bà Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược thị trường tại Prudential Financial ở New Jersey khẳng định: “Một công bố dữ liệu như vậy sẽ không thay đổi quan điểm của Fed. Sẽ cần thêm nhiều dữ liệu để điều đó xảy ra, bao gồm những dữ liệu cho thấy khả năng bị lạm phát và chi phí cao hơn trong thời gian dài. Hiện chúng ta chưa ở thời điểm để có được những dữ liệu như vậy. Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu phục hồi”.

Sau thông tin về CPI tháng 4, các NĐT đang chuyển sự chú ý đến các báo cáo số liệu kinh tế khác sắp được công bố để có thể có được “bức tranh toàn cảnh hơn về lạm phát”. Trong đó, đáng chú ý là dữ liệu giá từ các sản xuất; các số liệu về doanh số bán lẻ, sản xuất và tồn kho sản xuất trong tháng 4.

Trong động thái mới nhất từ Fed sau số liệu về CPI tháng 4, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida hôm thứ Tư cho biết, sẽ phải mất “một thời gian nữa” trước khi nền kinh tế Mỹ đủ lành mạnh thực sự để Fed xem xét rút lại các hỗ trợ cho nền kinh tế trong đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19. Trước đó, nhiều quan chức Fed cũng đã “đăng đàn” để nhấn mạnh về việc Fed sẽ vẫn “kiên nhẫn” với CSTT hiện nay trong bối cảnh dù lạm phát có tăng lên nhất thời nhưng phục hồi kinh tế và thị trường lao động chưa bền vững.

Theo Thoibaonganhang

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,550 -70 25,650 -70

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,0840 25,4540

  AUD

16,2380 16,9280

  CAD

17,7270 18,4810

  JPY

1600 1700

  EUR

26,8480 28,3200

  CHF

28,5820 29,7970

  GBP

31,8310 33,1840

  CNY

3,4670 3,6140