Đâu là giá trị thực của nhân dân tệ? 08:05 13/08/2019

Đâu là giá trị thực của nhân dân tệ?

Quyết định gán mác “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc của chính phủ Mỹ làm dấy lên nhiều câu hỏi xung quanh việc nhân dân tệ đang bị quản lý chặt như thế nào và giá trị thực của đồng tiền đó là bao nhiêu.

Trung Quốc quản lý nhân dân tệ như thế nào?

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho phép nhân dân tệ biến động 2% so với tỷ giá trung tâm mà cơ quan ấn định mỗi ngày. Tỷ giá trung tâm này được quyết định dựa trên biến động của nhân dân tệ và đồng tiền của những quốc gia đang là đối tác thương mại lớn với Trung Quốc.

Ngoài ra, PBOC cũng xét đến một yếu tố ngược chu kỳ để điều chỉnh tỷ giá trung tâm và hạn chế biến động lớn trong tâm lý thị trường.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn và hạn ngạch đầu tư nước ngoài hà khắc, đồng thời triển khai một hệ thống phức tạp nhằm quản lý hoạt động giao dịch nhân dân tệ trong và ngoài nước.

Nhân dân tệ giao dịch với các đồng tiền lớn như thế nào?

Từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ vào tháng 4/2018, thời điểm Washington tung đòn thuế đầu tiên đối với hàng hóa Trung Quốc, nhân dân tệ đã giảm 11% so với USD tại thị trường thế giới. Tuần trước, đồng tiền này xuống thấp kỷ lục ở 7,1397 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Kể từ năm 2008, nhân dân tệ đã tăng 3,7% so với USD và tăng 35% so với euro, nhưng giảm 13% so với yên Nhật.

Cuối năm 2015, Trung Quốc công bố chỉ số nhân dân tệ CFETS, cho biết diễn biến của nội tệ với rổ tiền tệ ngang hàng, vì cho rằng giá trị của nhân dân tệ sẽ phản ánh rõ hơn tình hình thương mại và đầu tư của Trung Quốc với nhiều quốc gia khác Mỹ. 2 năm sau đó, số lượng đồng tiền trong rổ CFETS là 24, trong đó tỷ trọng của USD là 22,4%.

Giới phân tích cho rằng việc giữ chỉ số CFETS nằm trong một phạm vi ràng buộc sẽ đảm bảo cho Trung Quốc không bị thiệt thòi về tỷ giá với các đối tác thương mại. Nhiều chuyên gia nghi ngờ Bắc Kinh thấy thoải mái với việc để chỉ số CFETS dao động trong khoảng 92 – 98 điểm, tức là nhân dân tệ ở mức không quá thấp so với đồng tiền khác. Ngày 9/8, chỉ số này xuống dưới 92 điểm và ở mức thấp kỷ lục.

PBOC can thiệp vào tỷ giá nhân dân tệ?

PBOC hiếm khi can thiệp trực tiếp trên thị trường ngoại hối, mà thường thông qua các ngân hàng quốc doanh, sử dụng nghiệp vụ thị trường tiền tệ và dự trữ ngoại hối khổng lồ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng được cho là cố tình tác động lên nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài theo nhiều cách, như phát hành trái phiếu nhân dân tệ theo định kỳ hoặc bất thường tại Hong Kong. Theo giới giao dịch, mục đích của hành động này là để tăng thanh khoản và ngăn chặn làn sóng bán khống nhân dân tệ theo tâm lý đầu cơ.

Trung Quốc từng “đốt” 1.000 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối sau khi nhân dân tệ giảm giá mạnh vào năm 2015, kéo theo hàng loạt dư báo tiêu cực về đồng tiền này. Khi đó, chính phủ mạnh tay triển khai các biện pháp kiểm soát dòng vốn, đồng thời khuyến khích đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và trái phiếu trong nước.

Nhân dân tệ đang bị định giá thấp?

Dựa vào tỷ giá hữu hiệu thực (REER), cho biết giá trị của một đồng tiền so với nội tệ của các đối tác thương mại lớn sau khi điều chỉnh theo lạm phát, nhân dân tệ đang cao hơn một chút so với mức trung bình trong dài hạn.

Số liệu hàng năm của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy REER năm 2018 của nhân dân tệ khá thấp, dưới mức trung bình 4 năm. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, con số này cao hơn 4,9% so với trung bình 10 năm và 13,4% so với trung bình 15 năm. Trong khi đó, REER của USD lần lượt cao hơn 11,2% và 10,3%.

“Tỷ giá hữu hiệu thực là một chỉ số chuẩn, và dựa vào đó, nhân dân tệ được định giá khá phù hợp vào thời điểm này”, chuyên gia kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics cho biết.

Hậu quả của việc tiếp tục hạ giá nhân dân tệ

Phiên 12/8, PBOC tiếp tục hạ tỷ giá nhân dân tệ trong ngày thứ 8 liên tiếp, xuống 7,0211 nhân dân tệ đổi 1 USD. Chốt phiên, đồng tiền này giao dịch ở 7,0975 nhân dân tệ tại thị trường nước ngoài và 7,0582 nhân dân tệ đổi 1 USD tại Trung Quốc.

Theo dự báo của giới phân tích tại Bank of America Merrill Lynch, nhân dân tệ sẽ tiếp tục suy yếu và giao dịch ở 7,3 nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối năm nay, trước khi phục hồi nhẹ vào năm 2020. Tương tự, con số dự báo của Deutsche Bank cho cuối năm nay là 7,1 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Trung Quốc sẽ gặp rắc rối, đặc biệt là trong bất động sản và những lĩnh vực thường vay vốn nhiều từ nước ngoài, nếu làn sóng bán tháo tiếp diễn. Bởi, lợi nhuận của họ chủ yếu là bằng nhân dân tệ trong khi vốn vay được lại phần lớn là USD. Tính đến cuối tháng 3, doanh nghiệp Trung Quốc có tổng dư nợ trái phiếu USD đạt gần 900 tỷ USD, gấp gần 3 lần thời điểm 5 năm trước, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Một số chuyên gia theo dõi thị trường cho rằng nếu nhân dân tệ tiếp tục giảm sâu, Trung Quốc sẽ trải qua một đợt rút vốn khác bất chấp các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hiện nay.

Theo NDH

Like Đang tải...

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,450 0 25,550 0

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,0840 25,4540

  AUD

16,2380 16,9280

  CAD

17,7270 18,4810

  JPY

1600 1700

  EUR

26,8480 28,3200

  CHF

28,5820 29,7970

  GBP

31,8310 33,1840

  CNY

3,4670 3,6140