Sau khi tăng mạnh 0,45% trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tiếp tục tăng mạnh 0,59% so với tháng trước, trước áp lực điều chỉnh học phí khiến giá dịch vụ giáo dục tăng đến 5,75% và nhóm hàng giao thông tăng đến 0,82% sau 2 lần điều chỉnh giá xăng trong tháng 9. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng so cùng kỳ tiếp tục duy trì ở mức cao 3,98%, cận kề với mục tiêu đặt ra 4%.
Theo dự báo của giới phân tích thời gian qua, mục tiêu giữ lạm phát năm nay ở dưới 4% là khó có thể đạt được. Dự báo của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng trong bối cảnh giá thực phẩm phục hồi mạnh mẽ cùng với sự gia tăng liên tục của giá nhiên liệu thì lạm phát quý 3 có thể tăng lên 4,65% và quý 4 là 4,13% so cùng kỳ. Trước đó ngay từ tháng 6 ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đã sớm có nhận định “lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra”.
Dù vậy, vẫn có những cơ sở để giữ được lạm phát theo mục tiêu. Theo mô phỏng kịch bản mức tăng CPI bình quân của Cục quản lý giá đưa ra hồi cuối tháng 8, thì để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%, CPI 4 tháng cuối năm cần ở mức tăng tối đa 0,79% bình quân mỗi tháng so với tháng trước. Với CPI tháng 9 vừa qua tăng 0,59%, thấp hơn mức 0,79% thì thì nếu trong 3 tháng còn lại giữ được CPI tăng không quá 0,79% thì mục tiêu lạm phát năm nay sẽ hoàn thành.
Bộ Tài chính cũng đánh giá, theo quy luật hàng năm, mặt bằng chỉ số giá các tháng cuối năm trong những năm gần đây cơ bản nằm trong kiểm soát, kể cả thời điểm thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh vào cuối năm 2016 thì diễn biến chỉ số giá cũng không có đột biến.
Với yếu tổ tỷ giá đã hạ nhiệt trở lại trong tháng 9, dù trong tuần trước Cục dự trữ liên bang Mỹ đã có lần tăng lãi suất cơ bản trong năm nay, nhưng thị trường ngoại hối vẫn cho thấy sự ổn định, thì áp lực từ yếu tố tỷ giá lên lạm phát đang mờ dần. Ngoài ra, mùa mưa bão đang dần trôi qua chưa ghi nhận sự thiệt hại đáng kể nào, trong khi giá dịch vụ công như giáo dục đã được điều chỉnh vừa qua, thì những yếu tố này cũng tạm thời thôi gây áp lực lên lạm phát trong những tháng cuối năm nay.
Tuy nhiên, lạm phát năm 2019 sẽ thật sự khó lường. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi trong báo cáo dự thảo lần thứ nhất về tình hình kinh tế – xã hội năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nâng mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân lên mức 4-5%, tức là dưới 5% và cũng có nghĩa là tăng thêm 1 điểm phần trăm so với mục tiêu của năm 2018.
Một áp lực đầu tiên đã được dỡ bỏ cho năm 2018 và chuyển sang năm 2019 chính là tăng thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít lên kịch trần 4.000 đồng/lít và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, tức rơi vào tháng chạp và tháng Giêng vốn là giai đoạn cao điểm của hoạt động sản xuất kinh doanh trước dịp lễ Tết, vì vậy sẽ tác động rất mạnh lên giá hàng hóa và chi tiêu của người tiêu dùng.
Chẳng những vậy, giá dầu thô thế giới đang tiếp tục đà tăng mạnh mẽ trong suốt thời gian qua. Giá dầu thô WTI gần đây đã leo trở lại lên mức cao trên 73,4 USD, trong khi giá dầu Brent cũng tăng lên trên 83 USD/ thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 đến nay. Theo các chuyên gia, việc giá dầu thế giới quay trở lại mốc 100 USD/ thùng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau là có thể xảy ra, trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt trước các biện pháp tái trừng phạt của Mỹ lên Iran và khủng hoảng tại Venezuela. Như vậy, giá xăng dầu trong nước không chỉ chịu tác động từ giá thế giới tăng mà còn phải cõng thêm thuế bảo vệ môi trường tăng lên, do đó gây áp lực lên giá tiêu dùng là tất yếu.
Một yếu tố khác cũng đã được chuyển giao cho năm 2019 chính là việc điều chỉnh giá dịch vụ điện. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong 3 tháng cuối năm nay sẽ không tăng giá đúng như chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, các khoản chi phí đầu vào của giá điện đã phát sinh rất lớn, gây áp lực lớn trong hoạt động của Tập đoàn điện lực VN (EVN). Cụ thể, tổng chi phí tăng thêm của EVN trong năm 2019 (bao gồm các chi phí của năm 2018, năm 2019) là khoảng 20.735 tỉ đồng, dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ trong năm 2019.
Ngoài ra, các yếu tố rủi ro như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục kéo dài, khủng hoảng tiền tại các thị trường mới nổi và kế hoạch FED tiếp tục tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2019 cũng sẽ có những tác động tiềm tàng và khó lường lên tỷ giá lẫn lạm phát trong giai đoạn tới.
Chính vì vậy, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng nay 1/10, dù nhận định lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh rằng sức ép lạm phát còn rất lớn, do nguyên nhân bên trong, bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý… do vậy đây là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời xử lý.
Trong khi đó, thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhằm tập trung thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ở 4%. Có thể thấy việc các cơ quan quản lý tiếp tục thận trọng với chỉ tiêu lạm phát và đặt ra những giảm pháp kiểm soát là điều rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Theo TGTT
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
USD chợ đen |
25,600 -180 | 25,700 -180 |
Giá đô hôm nay |
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
Vàng SJC | 82,500 | 84,500 |
Vàng nhẫn | 81,500 | 82,800 |
Tỷ giá hôm nay |
||
---|---|---|
Ngoại Tệ | Mua vào | Bán Ra |
USD |
25,08424 | 25,4544 |
AUD |
16,23851 | 16,92853 |
CAD |
17,72720 | 18,48121 |
JPY |
1600 | 1700 |
EUR |
26,848110 | 28,320116 |
CHF |
28,582120 | 29,797125 |
GBP |
31,831-144 | 33,184-150 |
CNY |
3,4676 | 3,6146 |