Theo các chuyên gia, để duy trì đà tăng trưởng hiện nay, điều quan trọng nhất là tiếp vốn, tiếp sức cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Xu hướng phục hồi của các ngành, lĩnh vực kinh tế vẫn diễn ra tích cực từ đầu năm đến nay. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 10, ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất (IIP) ước tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số IIP của ngành chế biến chế tạo tăng 5,7%. Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9% với nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao. Hay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành gấp 3,9 lần…
Song song đó, hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư sau 10 tháng khi cả nước xuất siêu 9,4 tỉ USD. Các doanh nghiệp (DN) cũng thích ứng tốt với bối cảnh mới khi số lượng DN gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Trong 10 tháng năm 2022, cả nước có 178.500 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với gần 835.000 lao động, tăng 38,3% về số DN và tăng 18% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong bối cảnh lạm phát thế giới vẫn đang ở mức cao thì VN vẫn kiểm soát được lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng qua chỉ tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của bình quân 10 tháng năm 2020 (3,71%). Riêng lạm phát cơ bản tăng 2,14%, thấp hơn mức CPI bình quân chung phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu…
Trước đó, báo cáo hết quý 3/2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng khả năng cả năm nay, tăng trưởng GDP của VN có thể đạt và vượt mục tiêu với mức từ 7,5 - 8%. Mức tăng trưởng kinh tế của VN trong năm nay được đánh giá thuộc hàng đầu thế giới khi kinh tế nhiều nước tăng khá thấp.
Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển kinh tế tháng 9.2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn so với dự báo đưa ra trong tháng 4.2022. Cụ thể, dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ giảm từ 3,9% xuống còn 1,6%; khu vực đồng euro giảm từ 3,3% xuống 2,5%; Nhật Bản giảm từ 2,7% xuống 1,4%; Trung Quốc giảm từ 5,0% xuống còn 3,3%.
Đạt đà tăng trưởng cao trong 10 tháng năm 2022, nhưng nền kinh tế chung vẫn đang có nhiều dấu hiệu cho thấy chựng lại. Chẳng hạn như TP.HCM được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước cũng đang lo lắng cho câu chuyện tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm và cả năm 2023. Tại phiên họp kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2022 diễn ra ngày 1.11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá với tình huống phát sinh từ bên ngoài và nội tại của thành phố, việc đặt vấn đề năm 2023 tăng tốc “là khó”.
Nguồn vốn cho DN thời điểm cuối năm vẫn chỉ có thể trông chờ vào động thái từ phía NHNN. Không có chiếc đũa thần nào cho DN trong giai đoạn hiện nay ngoài việc mở room tín dụng. Khi DN không tính toán được gì cho kế hoạch năm sau và rơi vào thế phòng thủ, sản xuất cầm chừng thì nền kinh tế sẽ khó khăn.
Trên thực tế, kể từ quý 3/2022 đến nay, dòng vốn từ các ngân hàng đưa vào nền kinh tế đã chậm lại khi nhiều nhà băng đã cạn room tín dụng của cả năm. Tình trạng nhiều DN không thể vay được, thậm chí dù hồ sơ tín dụng đã được chấp thuận từ đầu năm nhưng rất khó giải ngân. Không chỉ lĩnh vực bất động sản gặp khó mà nhiều DN kinh doanh sản xuất cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Hay trong quý 3/2022, hàng loạt DN đã báo lỗ nặng khi thị trường tiêu thụ sụt giảm, chi phí tài chính tăng cao do lãi vay đi lên và bị lỗ do chênh lệch tỷ giá hối đoái… Nhưng đối với nhiều DN, điều đáng lo ngại nhất là thị trường vốn đang bị thiếu hụt trầm trọng khiến nhiều đơn vị phải tính đến bài toán co cụm, cắt giảm nhân sự.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết nguồn vốn cho thị trường bất động sản hiện nay khá khó khăn. Các DN, cá nhân chỉ mong dễ tiếp cận được nguồn vốn. Ngoài tín dụng, đến năm 2023 nhiều DN có nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chưa thể đáp ứng được các điều kiện bổ sung gần đây.
Trước thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị: “Chỉ mong ngân hàng giải quyết cho các cá nhân vay để mua nhà ở khi có nhu cầu nhằm tạo thanh khoản cho thị trường. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới trần tín dụng thêm khoảng 1 - 2% để có thêm nguồn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỉ đồng cho nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm”.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng nhu cầu vốn của nền kinh tế đang rất lớn, đặc biệt là giai đoạn cuối năm. Thế nhưng các kênh huy động vốn hầu như đang bị “tắc”, từ trái phiếu đến cổ phiếu và cả ngân hàng. Điều này sẽ khiến cho DN chán nản, thậm chí có thể tạm ngưng hoạt động. Từ đó sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước không chỉ riêng trong quý 4/2022 mà còn kéo dài đến cả năm sau.
Theo TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), từ nay đến cuối năm, vốn cho DN đến từ ngân hàng chắc chắn sẽ vẫn khó khăn khi NHNN vẫn khẳng định tăng trưởng tín dụng 14% nhằm tránh lạm phát và ổn định tỷ giá. Các nhà băng chỉ có hạn mức như vậy, chưa kể lãi suất đang tăng cao. Vì vậy, để giải quyết nguồn vốn cuối năm cho DN, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, ông Thịnh cho rằng các DN cũng phải tính đến thị trường trái phiếu. Dù hiện nay kênh này đang gặp khó khăn về niềm tin nhưng đây là kênh huy động vốn trung dài hạn mà DN cần quan tâm phát triển cho năm sau.
Ngược lại, TS Lê Xuân Nghĩa nói thẳng để DN có thể huy động vốn thông qua trái phiếu thì trong cuối năm nay là chuyện rất khó khăn. Bởi nhà đầu tư đang mất niềm tin nên sẽ khó có người mua trái phiếu dù là DN hoạt động tốt. Nhưng về lâu dài, để thị trường này phát triển, đáp ứng được nguồn vốn trung dài hạn quan trọng cho DN nói riêng và nền kinh tế, cần để DN thỏa thuận với trái chủ để cấu trúc lại nợ sắp đến hạn như giãn, hoãn nợ hoặc trả dần. Bên cạnh đó, có thể xem xét hoãn thi hành một số điều kiện trong Nghị định 65/2022 của Chính phủ sửa đổi quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ. Chẳng hạn, có thể hoãn lại quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp sau một năm.
Bởi chiếu theo quy định này, hiếm có ai là nhà đầu tư chuyên nghiệp để được mua trái phiếu của các DN phát hành nên trong năm sau kênh vốn này cũng có khả năng tiếp tục bị “tắc”. Song song đó, vị chuyên gia này cho rằng vấn đề cần xem xét ngay trong tháng 11 là mở room tín dụng thêm 2 - 3% để bổ sung vốn cho nền kinh tế. “VN đang có lãi suất thực dương cao nhất thế giới khi lãi suất huy động của ngân hàng cao gấp
3 lần lạm phát. Trong khi ở nhiều nước lãi suất chỉ bằng 1/3 lạm phát, như Mỹ lãi suất huy động khoảng 3,5% khi lạm phát là 8,5%. Thậm chí, tại Nhật Bản lãi suất là 0% trong khi lạm phát là 2,5%. Chúng ta có thể xem xét mở thêm room tín dụng và quan trọng nữa là phải làm nhanh để bổ sung vốn cho nền kinh tế. Lãi suất đang cao thì nhiều DN không dám vay để đầu tư mở rộng nhưng có những dự án dở dang, bổ sung vốn lưu động thì vẫn phải cần nguồn vốn từ các ngân hàng để duy trì hoạt động”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng tình, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng những tháng cuối năm là thời điểm DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh nên tình hình mở dòng vốn cho các DN vào thời điểm này khá cấp bách. Càng để chậm càng khiến DN cũng như nền kinh tế mất đà phục hồi tăng trưởng. Từ nhiều năm trở lại đây, vốn của các DN gần như phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Đối với thị trường vốn trái phiếu và cổ phiếu vừa sôi động được vài năm thì nay cũng đã rơi vào tình trạng khó khăn. DN khó có thể huy động vốn từ kênh này trong những tháng tới.
“Nguồn vốn cho DN thời điểm cuối năm vẫn chỉ có thể trông chờ vào động thái từ phía NHNN. Không có chiếc đũa thần nào cho DN trong giai đoạn hiện nay ngoài việc mở room tín dụng. Khi DN không tính toán được gì cho kế hoạch năm sau và rơi vào thế phòng thủ, sản xuất cầm chừng thì nền kinh tế sẽ khó khăn”, ông Chí nhấn mạnh, đồng thời nói thêm: “Nguồn vốn của DN những tháng cuối năm chỉ trông chờ vào NHNN thông qua nới room. Khi mở room tín dụng thì NHNN có thể đặt ra các quy định tăng cường quản lý giám sát rủi ro, hệ số rủi ro tăng lên… để ngăn dòng vốn chảy vào thị trường trái phiếu DN hay sợ dòng vốn chảy qua thị trường ngoại hối, đầu cơ tỷ giá”.
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
USD chợ đen |
25,550 -70 | 25,650 -70 |
Giá đô hôm nay |
Mua vào | Bán ra | |
---|---|---|
Vàng SJC | 82,500 | 84,500 |
Vàng nhẫn | 81,500 | 82,800 |
Tỷ giá hôm nay |
||
---|---|---|
Ngoại Tệ | Mua vào | Bán Ra |
USD |
25,0840 | 25,4540 |
AUD |
16,2380 | 16,9280 |
CAD |
17,7270 | 18,4810 |
JPY |
1600 | 1700 |
EUR |
26,8480 | 28,3200 |
CHF |
28,5820 | 29,7970 |
GBP |
31,8310 | 33,1840 |
CNY |
3,4670 | 3,6140 |