Vì sao vàng trong nước cao hơn thế giới 4 triệu đồng? 08:20 19/03/2020

Vì sao vàng trong nước cao hơn thế giới 4 triệu đồng?

Nhiều chuyên gia cho rằng trước biến động của thị trường thế giới và trong nước, về ngắn hạn giá kim loại quý trong nước đã không còn phụ thuộc vào biến động của giá thế giới.

Thị trường tài chính thế giới và trong nước đang trải qua những phiên biến động rất mạnh trước tác động của dịch virus Covid-19 và các chính sách tiền tệ từ ngân hàng trung ương các nước.

Biến động trên thị trường cũng khiến giá vàng thế giới và trong nước diễn biến lệch pha. Trong khi vàng thế giới giảm mạnh nhiều phiên, giá kim loại quý trong nước lại giữ xu hướng ổn định hơn, dẫn tới chênh lệch giá có thời điểm hơn 4 triệu/lượng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến chênh lệch giá thế giới và trong nước tăng cao gần đây do vàng trong nước đã không còn liên thông với thế giới.

Tạm vượt ngoài biến động thế giới

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có 2 lý do khiến hiện tượng này xảy ra. Một là, vàng trong nước đã không còn liên thông với thế giới khi chỉ Ngân hàng Nhà nước được phép nhập khẩu vàng. Vì vậy, vàng trong nước biến chuyển theo cung cầu trong nước thay vì cung cầu thế giới.

Vi chuyên gia cho biết, trong dài hạn, vàng trong nước khó tách ra khỏi diễn biến của vàng thế giới, nhưng trong ngắn hạn từng ngày, tuần nó có thể biến chuyển khác nhau tùy nhu cầu của hai bên.

Hai là, vàng thế giới đang rất bất ổn do nhiều nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khóan.

“Rất nhiều nhà đầu tư mất tiền ở thị trường này và nhiều trong đó phải lấy tiền ra khỏi vàng để bù lỗ thanh khoản chứng khoán”, ông Hiếu nhận định.

Vàng thế giới giảm mạnh hơn nhiều so với trong nước trong khoảng 1 tuần gần đây.

Tuy nhiên, tại thị trường Việt, giới nhà đầu tư thường không liên kết chặt chẽ danh mục các khoản đầu tư giữa thị trường như vàng, chứng khoán, hay bất động sản… Vì vậy, dù chứng khoán trong nước cũng giảm thời gian qua nhưng không khiến nhà đầu tư phải bán vàng đi để bù lỗ như ở Mỹ.

“Đây là nguyên nhân chính khiến vàng trong nước thời gian qua dù cũng có xu hướng giảm cùng thế giới, nhưng vẫn ổn định hơn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam (VGB), cho biết vàng trong nước ít biến động hơn thế giới còn có yếu tố cộng hưởng từ Nghị định 24 siết sản xuất vàng miếng.

Theo đó, với việc chỉ NHNN được phép nhập khẩu vàng, không có nguồn cung thị trường, người dân cũng không có động cơ bán ra nên vàng trong nước vẫn được các doanh nghiệp giữ ở mức cao.

Tuy nhiên, phân tích sâu hơn, ông Hải cho rằng yếu tố chính khiến vàng trong nước không giảm mạnh là việc các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đã rút ra được bài học từ khủng hoảng tài chính 2008.

“Giới đầu tư vàng đang đi trước thị trường”

Cụ thể, vị tổng giám đốc VGB cho rằng thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ còn giảm sâu. “Theo tính toán của tôi, chỉ số Dow Jones sẽ còn xuyên thủng mốc 20.000 điểm và về ngưỡng 17.000 điểm trong thời gian một vài tháng tới”, ông nói.

Ông nêu lý do, hiện tại, ở các trung tâm tài chính lớn như Mỹ và châu Âu vẫn chưa phải đỉnh của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, so sánh với TTCK thế giới năm 2008, khi chỉ số Dow Jones (DJI) giảm từ 14.000 điểm xuống hơn 7.000 điểm, tương đương giảm hơn 46%, với đỉnh của DJI 29.300 điểm ngày 12/2, mức giảm tương ứng sẽ về hơn 17.000 điểm.

Đối chiếu với giá vàng, tháng 3/2008, vàng thế giới đạt 930 USD/ounce nhưng đến tháng 10 cùng năm đã giảm hơn 20% về mức 739 USD và sau đó lại tăng rất mạnh năm 2009 và đạt đỉnh năm 2011.

“Vàng thế giới sẽ còn giảm khi chưa tiếp cận mức giảm 20% kể từ đỉnh 1.700 USD/ounce hồi tháng 2 năm nay. Trừ đi 20%, mức đáy của vàng đợt này có thể là 1.360 USD”, ông Hải nói.

Ông cho rằng, chứng khoán và vàng thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới do rất nhiều tiền đang được bơm ra thị trường. Vừa qua, FED đã hạ lãi suất xuống gần 0%, tung các gói kích cầu hàng nghìn tỷ USD, ngân hàng trung ương các nước cũng bơm thêm tiền…

“Tiền sẽ tràn ngập thị trường và chảy vào vàng, chứng khoán. Khi đó các tài sản này sẽ tăng giá rất mạnh, bài học năm 2008 vẫn còn giá trị”, ông Hải nhấn mạnh.

Đặc điểm này cộng hưởng với Nghị định 24 đã giúp vàng trong nước giữ được giá cao hơn nhiều so với thế giới.

Theo ông Trần Thanh Hải, 6-8 tuần tới sẽ là đỉnh dịch bùng phát tại châu Âu và Mỹ, kịch bản xấu nhất sẽ diễn ra với kinh tế thế giới vào quý II và phục hồi vào quý III, IV.

“Cuối quý II khi đỉnh dịch qua đi, các loại thuốc, vắc xin được điều chế và dòng tiền bắt đầu chảy vào thị trường sẽ là thời điểm vàng và chứng khoán tăng giá mạnh. Nhưng các nhà đầu tư vàng đã rất tỉnh táo và đánh trước từ bây giờ”, ông Hải nói.

Dù vàng thế giới giảm mạnh nhưng ở nhiều thị trường, kim loại quý vẫn giữ trạng thái Long (mua) rất nhiều.

Tuy vậy, ông Hải cho rằng hiện nay chưa phải thời điểm để mua vàng đầu tư, vì trước khi tăng được trở lại vàng sẽ cần tìm một mức đáy mới mà theo tính toán sẽ là 1.360 USD/ounce.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng xu hướng dài hạn vàng thế giới và trong nước sẽ cùng tăng khi dịch qua đi. Nhưng trong ngắn hạn, từng ngày, tuần sẽ có biến động tăng, giảm trái chiều rất mạnh phụ thuộc nhiều vào tin tức dịch bệnh, các gói giải cứu kinh tế, lãi suất trên thế giới…

Theo Zing.vn

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,450 -40 25,550 -50

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 82,500 84,500
Vàng nhẫn 81,500 82,800

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

25,0840 25,4540

  AUD

16,2380 16,9280

  CAD

17,7270 18,4810

  JPY

1600 1700

  EUR

26,8480 28,3200

  CHF

28,5820 29,7970

  GBP

31,8310 33,1840

  CNY

3,4670 3,6140